Tumgik
chimsetocbay · 1 month
Text
Dune - Sức mạnh của sự tỉnh thức
Hôm nay mình gấp lại cuốn sách, sau 2 tuần đắm chìm trong thế giới tưởng tượng kỳ vĩ của Dune. Cuốn sách là minh chứng cho thấy sức mạnh của trí tưởng tượng con người là vô tận. Đây là phần 1, và cũng là phần nổi bật nhất trong toàn bộ series của Frank Herbert. Cuốn tiểu thuyết là một áng sử thi bi tráng của một thế giới đa hành tinh được tác giả xây dựng, lồng ghép trong đó là những giá trị sâu sắc về triết học, tôn giáo, khoa học sinh thái và lòng trung thành trong các mối liên hệ. Mình sẽ không viết về thế giới tưởng tượng phiêu lưu của tiểu thuyết này, bởi ngoài việc đọc để thưởng thức nó thì chẳng có thể nghe ai kể lại được trọn vẹn. Mình chỉ muốn viết về những tầng giá trị mà mình cảm nhận được từ cuốn sách đã làm mình say mê suốt 2 tuần qua.
Sự tỉnh thức - mình tự hỏi Frank Herbert có nghiên cứu nhiều về đạo Phật cũng như triết học nói chung hay không, mà có thể thể hiện giá trị triết lý sâu sắc đến thế (mình dám khẳng định là có bởi ngay đầu sách là một câu quote “Mọi sự sống đều bắt đầu từ nước” trong cuốn sách mà bác sĩ Yueh tặng cho Paul, chính là lý thuyết của triết gia Thales of Miletus từ những năm 500 trước Công nguyên). Trong đạo Phật, Đức Phật thường xuyên dạy bảo các học trò của mình rèn luyện sự tỉnh thức (“chánh niệm”) - một trong bát chánh đạo để giúp con người giải thoát khổ đau. Trong Dune, Frank Herbert thể hiện sức mạnh tỉnh thức một cách đậm nét qua tâm tưởng của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính Paul Astreides và mẹ cậu - Jessica, trong bất kì tình huống nào cả 2 nhân vật này đều không để cảm xúc lấn át trí tuệ tỉnh thức của mình. Đoạn Paul biết rằng cha cậu - công tước Leto Astreides đã bị giết nhưng trong bối cảnh đó Paul và mẹ đang bị truy đuổi ra ngoài sa mạc hung dữ, trước khi có thể đau buồn, cậu còn phải tính toán thu xếp con đường kế tiếp cho sự tồn tại của 2 mẹ con, cho sứ mệnh mà cậu phải theo đuổi. Cho đến khi tư duy tính toán xong, Paul mới có thể khóc thương cha mình. Nhưng đỉnh cao phải là đoạn Paul lần đầu tiên phải giết người trong một cuộc thách đấu một mất một còn mà cậu không thể né tránh. Paul chiến thắng, đám đông tung hô cậu, đó là thời điểm mẹ cậu hiểu rằng cô phải hành động ngay nếu không con trai cô sẽ trở nên hả hê với chiến thắng mà đánh mất tỉnh thức về nhân tính “Nàng dồn sự khinh bỉ tột cùng vào giọng nói và thái độ của mình: Được lắm, giờ đã giết người rồi thì con thấy thế nào”. Paul cứng đờ toàn thân như bị roi quất, cậu tỉnh thức kịp thời để thu cái tôi của mình nhỏ lại, dành sự tôn trọng cho kẻ đã muốn giết mình. Sức mạnh của sự tỉnh thức còn được thể hiện qua Bene Gesserit - phương pháp giáo dục cổ xưa tập trung vào rèn luyện tâm thức cho phép Jessica có thể điềm tĩnh trước các hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc để trợ giúp cho con trai mình, cho phép Paul không gục ngã trước những tình huống khắc nghiệt thách thức bản lĩnh của cậu, khiến cho cậu đau đáu tìm cách tránh một cuộc thánh chiến mà trong đó đám đông tôn sùng cậu thay vì là bạn của cậu.
Triết lý tràn ngập trong truyện qua những diễn biến tư duy (mình gọi là tư duy, chứ không hẳn là tâm trạng bởi hầu hết nhân vật trong truyện đều có sự tỉnh thức ở cao độ) và những lời nói của các nhân vật một cách rất tự nhiên, không chút gượng gạo (có lẽ bởi nội dung giàu tính sử thi của tác phẩm). Một vài ví dụ mà mình ưa thích “Luật Thứ Nhất của Mentat “Không thể thấu hiểu một quá trình bằng cách bắt nó ngừng lại. Sự thấu hiểu phải di động cùng dòng chảy của quá trình đó, phải hoà vào nó và chảy cùng nó” - đây chẳng phải là thuyết vô thường của đạo Phật hay sao? Hay ví dụ “Chúng ta có mắt, tuy nhiên không thể thấy gì nếu thiếu ánh sáng. Nếu đứng ở đáy thung lũng, ta không thể nhìn vượt ra ngoài thung lũng”…
Trong các mối liên hệ giữa các nhân vật, tác giả đề cao lòng trung thành. Nguyên cả cuốn tiểu thuyết, ta chỉ thấy hành động phản bội của nhân vật bác sĩ Yueh (vì hoàn cảnh ép buộc), còn lại các nhân vật liên hệ với nhau trên nền tảng là một lòng trung thành không có gì có thể lay chuyển. Hawat, một Mentat (những người được đào tạo để đạt tới cấp độ logic tối cao, máy tính - người, chỉ có dựa vào logic để hành động), bị kẻ thù bắt giữ, không phút giây nào nguôi nghĩ về việc cứu giúp cho gia tộc chủ nhân Astreides “Kẻ đã từng trao cả cuộc đời mình để phục vụ dòng họ Astreides, trong lúc này sẽ trao cho họ ít hơn sao?”. Lòng trung thành hiện diện không chỉ ở mối quan hệ bề tôi - chủ nhân, mà cả trong các mối quan hệ bạn hữu, hay tình yêu trong truyện.
Cuối cùng, xin ngả mũ kính phục cho trí tuệ của tác giả về bài học sinh thái xuyên suốt truyện. Bối cảnh truyện diễn ra ở hành tinh Arrakis, nơi hệ sinh thái khắc nghiệt sa mạc hoá, nước là kho báu mà người ta phải mặc sa phục để có thể tái chế nước bài tiết ra, không cho phép lãng phí hơi ẩm dẫu chỉ trong một hơi thở. Ở đó người Fremen nương tựa vào sức mạnh của sa mạc và cùng nhau nuôi một sứ mệnh cải tạo hành tinh, chầm chậm, chắc chắn cho đến ngày nước lộ thiên, cây xanh cao vút, con người không cần mặc sa phục nữa. Họ kiềm chế cơn khát để tích luỹ nước cho sứ mệnh của mình, họ có thầy quản nước, họ đeo vòng đếm nước thể hiện số nước mỗi người đã đóng góp. Nhân vật Liet Kynes - nhà sinh thái học hành tinh, trong thời khắc lâm chung, chỉ đau đáu sứ mệnh sinh thái mà cha ông đã dẫn dắt ông: làm sao để đặt con người như một lực sinh thái hữu ích, giống như cái cây, con vật, hoà hợp và thích nghi với hành tinh. Dune được xuất bản năm 1965, là những năm đầu nhân loại bắt đầu ý thức về tác động của con người với hệ sinh thái (Cuốn Slient Spring của Rachel Carson cũng xuất bản tầm này, năm 1962, được coi là cuốn sách đầu tiên bàn về khoa học sinh thái). Từ đó đến nay, các nghiên cứu sinh thái càng chứng minh cho tính đúng đắn lý thuyết của Dune, có điều nhân loại chưa thể nào hiện thực hoá. Trí tuệ con người, từ rất lâu, đã dư đủ để giải quyết vấn đề sinh thái của trái đất, chỉ có sự tham tham ích kỷ ngăn chặn chúng ta làm điều đó mà thôi.
Ảnh: mình chụp lại đoạn văn ưa thích của mình trong tác phẩm, nơi Paul đã tỉnh thức để thu bé cái tôi ngạo nghễ sau chiến thắng và trao hơi ẩm - thứ quý giá trên Arrakis cho người đã khuất - Jamis, kẻ đã thách đấu để muốn lấy mạng Paul.
P/S: mình mới xem phần 1 của phim, phần 2 còn chưa đi xem. Sau khi đọc xong sách thì thấy phần 1 cũng đã không thể chuyển tải hết được những nội dung sâu sắc của truyện, phần nhiều mô tả cuộc chiến bi tráng vốn cũng chỉ là 1 phần của tác phẩm khoa học viễn tưởng ở tầm kinh điển này.
Tumblr media
1 note · View note
chimsetocbay · 2 months
Text
Phim “Tri kỉ” - Yêu thương đi tới nơi đâu?
Bộ phim của Hàn Quốc, remake phim “Thất Nguyệt và An Sinh” của Trung Quốc. Mình chưa xem bản Trung Quốc, nhưng thấy viết là kể nội dung 2 cô bạn thân cùng yêu một chàng trai, và vì thế mà có mâu thuẫn với nhau. Nếu mà nội dung thế, so với bản Hàn thì thật quá tầm thường, bởi bản phim của Hàn khai thác một mối quan hệ mà ngoài từ “tri kỉ” thì cũng không có từ gì để diễn tả phù hợp - một mối quan hệ đi tới nhiều cung bậc của yêu thương.
1. Sự thu hút và gắn bó: Phim kể về 2 cô gái Mi So và Ha Eun, gắn bó với nhau từ thưở bé. Mi So có hoàn cảnh gia đình phức tạp, tính cách nổi loạn và tự do. Ha Eun may mắn sinh ra trong một gia đình đầm ấm, nền nếp, biểu hiện bên ngoài là một cô gái ngoan ngoãn, dịu dàng. 2 tâm hồn khác biệt như vậy, có sức hút mạnh mẽ với nhau bằng một thứ chemistry rất khó diễn đạt, nó không thuần tuý là tình bạn, cũng không giống như tình yêu thông thường (dù đâu đó trong phim vẫn thể hiện tình tiết sexual, như đoạn Mi So rủ Ha Eun tắm chung), khiến 2 cô gái gắn bó với nhau không thể tách rời. Họ cùng chăm sóc một con mèo, cùng vẽ, cùng chơi, ngày sinh nhật dành cho nhau bất ngờ dễ thương.
2. Sự thấu hiểu và luôn động viên nhau theo đuổi những ước mơ: Ha Eun vẽ rất đẹp, nhưng cô chỉ coi đó là thú vui, bởi gia đình cô đã định hướng cô trở thành giáo viên - một nghề nghiệp ổn định. Ha Eun sợ độ cao, không dám đi máy bay, nên cũng chỉ nghĩ sẽ quanh quẩn ở quê nhà Jeju. Mi So thì ngược lại, cô mơ ước về một cuộc sống tự do, đi xa trên chuyến tàu đến hồ Baikal, và có suy nghĩ sống như thế để có thể chấp nhận cái chết ở tuổi 27. Mi So luôn thúc đẩy Ha Eun nghĩ về những ước mơ và tự do, cùng Mi So đi xa như thế, cùng Mi So vẽ. Mi So hiểu rằng sâu thẳm trong Ha Eun cũng là những hoài bão mà cô không dám thực hiện, chỉ có Mi So hiểu, chỉ có Mi So ủng hộ và giục giã Ha Eun theo đuổi mơ ước của mình.
3. Không bao giờ ngừng quan tâm lo lắng cho nhau: Woo Jin xuất hiện và trở thành bạn trai của Ha Eun, dù có vẻ Woo Jin cũng thích cả Mi So nữa và khiến mối quan hệ của 2 cô gái sóng gió. Chắc là bản Trung xây dựng 2 cô gái giành nhau anh bạn trai này, nhưng bản Hàn thì khác. Khi Woo Jin xuất hiện, Mi So đã lo sợ mất đi Ha Eun, lo sợ Ha Eun sẽ bị tổn thương khi yêu Woo Jin, và cô không dừng việc tiếp tục bảo vệ chăm sóc Ha Eun. Đoạn 3 người đi chơi tìm đến cái hang để cầu nguyện, Ha Eun không thể đi tiếp thì Mi So thu xếp để Woo Jin ở lại chăm sóc Ha Eun còn cô sẽ đi tiếp và cầu nguyện cho cả 3, Ha Eun lại lo lắng Mi So đi một mình nguy hiểm lại giục Woo Jin đi theo để giúp Mi So. Họ cứ quan tâm lo lắng cho nhau như thế, khiến anh chàng Woo Jin cứ như kẻ thứ 3 thừa thãi. Dẫu sau đó xảy ra tình huống Woo Jin hôn Mi So khi ở trong hang và bị Ha Eun nhìn thấy, thì cả phim cũng không thấy gì là Mi So yêu/ thích Woo Jin cả. Vì chuyện đó mà Ha Eun ôm trong lòng nỗi buồn, cô không nói ra cho đến tận cuối phim cô mới nói với Mi So, cô hiểu cảm giác của Mi So bởi chính cô khi nhìn thấy cảnh đó cũng đã lo sợ mình sẽ mất đi Mi So.
4. Luôn hướng về nhau: Dù có những khúc mắc giấu trong lòng, khi Mi So rời quê đi lên Seoul và đi trên hành trình của mình thì 2 người vẫn không ngừng viết thư cho nhau, và khi Ha Eun trống trải bởi Woo Jin cũng quyết định rời quê lên Seoul, Mi So đã trở về thăm Ha Eun, ở bên Ha Eun khi cô cần mình. Khi Mi So rơi vào tình trạng bê bết (bạn trai tự tử sau khi đã làm mất sạch số tiền 2 người góp làm ăn), Ha Eun xuất hiện, cô chạy đến ôm lấy Ha Eun “mình đã nhớ cậu biết bao”.
5. Là điểm tựa cuối cùng tìm đến nhau: Kết thúc phim, Ha Eun bỏ trốn khỏi đám cưới với Woo Jin, cô tìm gặp Mi So khi phát hiện mình đã mang thai. Cô nói lý do cô không muốn cưới Woo Jin bởi cô không tin rằng anh có thể hiểu và yêu con người thật của cô, ẩn bên dưới vẻ ngoài ngoan ngoãn nhút nhát yếu đuối. Cô cũng muốn được lên chuyến tàu đến hồ Baikal, cô muốn được tự do theo đuổi nghiệp vẽ. Mi So đã tưởng tượng rằng Ha Eun có thể làm được điều đó sau khi sinh em bé, thế nhưng thực tế phũ phàng là Ha Eun đã qua đời ở tuổi 27 sau khi sinh em bé. Mi So nuôi đứa con của Ha Eun (và Woo Jin) và vẽ tiếp bức tranh dang dở của Ha Eun dưới nghệ danh của chính Ha Eun.
P/S: Mình nhớ đoạn khi Mi So hỏi Woo Jin “anh thích điều gì ở Ha Eun?”, Woo Jin trả lời “mọi thứ”. Mi So lắc đầu bảo đó là câu trả lời hời hợt của một người chưa hiểu gì về đối phương. Khi Woo Jin hỏi lại “thế em thích điều gì ở cô ấy”, Mi So trả lời là nụ cười, là đôi mắt khi ngáp, là nốt ruồi trên má. Coi đến đoạn này mình lại nhớ có người từng thích véo má mình, hoặc có người thích nhìn nụ cười của mình. Mình cũng thấy nói rằng yêu mọi thứ về một người nghe rất là cliche và hời hợt. Đối với mình, yêu thương (cho bất kỳ mối liên hệ yêu thương nào - người yêu, anh chị em, bạn bè…) nó là khi đã hiểu cả điểm xấu của đối phương, mà vẫn yêu thương họ. Nó kiểu như là việc tính mình dễ gắt gỏng khi đói thì em mình sẽ chuẩn bị sẵn đồ ăn khi đi cùng mình, hoặc kiểu là “Dẫu em như vậy, anh vẫn yêu em”.
youtube
0 notes
chimsetocbay · 2 months
Text
Vibe Sài Gòn
Năm nay là năm nhuận nên chúng ta có thêm 24h của ngày leap day. Ngày leap day này mình vào Sài Gòn sau mấy tháng, thật ra tháng trước có ghé vào 1 ngày nhưng toàn ở chỗ ồn ào và không cảm được cái vibe Sài Gòn thân quen này - một thành phố hối hả tập trung làm việc, một thành phố của nhiều nụ cười hồ hởi.
Thời tiết nóng nhưng nhiều nắng, mình yêu nắng, mình đã thiếu nắng trong mấy tuần âm u rét mướt ở Hà Nội rồi.
Lên văn phòng mới, sáng choang hiện đại, chỗ ngồi nhìn ra sông Sài Gòn, xung quanh là đồng nghiệp đang làm việc trong một không khí năng động, nhiệt huyết. Ngồi ở đây, tư duy mình trở nên nhanh nhạy hơn, giải quyết một đống việc gọn gàng trong 1 buổi chiều, sẵn sàng cho ngày mai gặp khách hàng.
Buổi tối mình đi ăn 1 quán bên khu Phạm Viết Chánh ưa thích, quán nhậu kiểu Nhật, nhỏ gọn, đồ ăn ngon. Nhưng thích nhất là cái không khí của quán, ồn ào vừa đủ, kiểu nhậu văn minh không xô bồ. Phần lớn khách nước ngoài, người Nhật, Tây và vài người nói tiếng Trung. Một ông khách bật một chai champagne khiến mấy người ngồi cạnh giật mình, ổng vội nói “I’m sorry, I should have warned you, I just have something to celebrate”. Mọi người đều bật cười. Không khí này hao hao giống hồi đi công tác bên Sing, tan làm cùng đồng nghiệp đi uống ở 1 quán nhỏ, uống một chút đủ ngồi nói chuyện, cảm giác thế giới rộng mở vui tươi, đầu óc mình sáng láng.
Nếu nói bao tử của mình dành cho Hà Nội thì chắc nụ cười của mình dành cho Sài Gòn. Góc nào ở đây cũng gợi nhớ về một kỉ niệm khiến mình mỉm cười. À mà chưa cần nhớ về kỉ niệm, cái vibe của Sài Gòn là những nụ cười thân thiện mà mọi người dễ dàng dành cho nhau rồi.
Tumblr media
0 notes
chimsetocbay · 2 months
Text
Life story teller
Trước hết, nên phân biệt biography - autography - memoir, tiếng Việt thì thường phân biệt là hồi ký - tự truyện. Biography - sách viết về cuộc đời của một nhân vật (vĩ nhân) do một người khác viết. Autography - tự truyện, tự kể về cuộc đời mình (các sao rất ưa thích phát hành kiểu sách này). Memoir - giống với kiểu tự truyện, nhưng sẽ thiên về kể về cảm xúc hơn là kể về các sự kiện cuộc đời như Autography.
Từ nhỏ mình đã thích kiểu sách kể về các vĩ nhân, mình nhớ là mình có cuốn kể về cuộc đời của các nhà khoa học. Về sau, có một loạt truyện tranh kể về cuộc đời các nhà khoa học cho trẻ con dễ đọc, mình cũng đọc gần như là hết. Cái mình thích ở thể loại này, là tính chân thực cao, mặc dù vẫn có thể đâu đó có hư cấu (thường là ở những chi tiết, sự kiện vốn cũng chưa rõ ràng) nhưng tác giả có một trách nhiệm phải kể chân thực hết mức có thể. Kể một cách trung thực, mà lại còn hấp dẫn nữa thì chính là Walter Isaacson. Thứ nữa, họ là người đặc biệt, nên cuộc đời họ hấp dẫn ly kì (còn lại tất cả chúng ta, đúng như Mark Manson viết, chả đặc biệt gì đâu, mấy cái thông điệp self-esteem đề cao bản ngã, đến giờ mình thấy nó thật nhàm chán).
Mình đọc của Walter Isaacson đến nay là 3 cuốn, về Leonardo Da Vinci, Steve Job và Elon Musk, đủ để mình ái mộ tác giả này cho thể loại biography. Cuốn đầu về Da Vinci, là cuốn mà nyc đã say sưa đọc đến không ỏ ê gì đến mình (anh ta được tha thứ vì mình không có sức phản kháng với sự hấp dẫn của đàn ông tập trung đọc/ làm việc). Cuốn sách cỡ 600 trang, mình đọc luôn bản tiếng Anh nên thực sự cũng khá nặng đô, nhưng đọc xong thì hoàn toàn thoả mãn. Phải nói đó là một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh về Da Vinci, bởi tác giả đâu có cơ hội tiếp cận, phỏng vấn nhân vật như viết bigraphy cho các nhân vật cùng thời đại. Walter đã lần theo tập notes viết tay của Da Vinci để kể về cuộc đời của ông, khắc hoạ một thiên tài với rất nhiều phẩm chất xuất chúng, thú vị. Leonardo Da Vinci được coi là một trong những trí tuệ hàng đầu của toàn bộ lịch sử nhân loại từ trước đến nay, ông vẽ trên nền tảng nghiên cứu khoa học (vật lý, giải phẫu - ông đích thân tự giải phẫu xác chết và vẽ lại minh hoạ giải phẫu người trên các tập notes của mình, đẹp và chi tiết một cách đáng kinh ngạc), và ông phát minh theo một kiểu rất nghệ sĩ nên các phát minh của ông không hiện thực hoá được nhưng hậu thế đã chứng minh là các phát minh của ông hoàn toàn khả thi. Ngoài ra, Leonardo còn là bậc thầy về đạo diễn sân khấu, khi ông dàn dựng các sân khấu nghệ thuật phục vụ cho vua chúa và giới quý tộc - tầng lớp tài trợ cho ông. Phẩm chất của Da Vinci là sự tò mò, óc quan sát, và trí tưởng tượng đặc biệt phong phú tạo nên một con người phi thường. Đọc cuốn này mà lên goodreads xem reviews thì cũng thú vị, ở đó Bill Gates, một vĩ nhân khác, viết review về cuốn sách với chia sẻ về việc đã trả một cái giá khá chát (hơn 30 triệu đô chứ nhiêu) cho tập notes Codex Leicester của Da Vinci.
Cuốn về Steve Jobs và Elon Musk thì với việc được 2 người này mời viết tiểu sử, Walter được phép tiếp cận phỏng vấn các nhân vật và bạn bè, người thân của họ. Với cuốn Steve Jobs, Walter bám theo các cuộc phỏng vấn, trao đổi với Steve và gia đình bằng hữu xung quanh để kể về cuộc đời, các thành tựu và đam mê sáng tạo, tính duy mỹ, tính cầu toàn, phong cách lãnh đạo khắc nghiệt của Steve. Cuốn Elon Musk, thì mình lại ấn tượng hơn nữa, vì trước mình không thiện cảm với thị phi của Musk nhưng đọc rồi thì lại thấy thú vị, một tài năng xuất chúng cộng hưởng với một tâm hồn giàu cảm xúc có phần điên loạn. Ở cả 2 con người này, những người ở rất gần với thời đại này, cho thấy sự chăm chỉ, tập trung say mê cho công việc mới làm nên thành quả được. Thành công không có chỗ cho sự hời hợt hay lười biếng. Trong khi ngồi chờ xe/ chuyến bay, Musk cũng có thể nghĩ ra một ý tưởng nào đó và sẽ nhanh chóng huy động đội ngũ triển khai (ý tưởng về đường đi ngầm khi đang ở sân bay HongKong). Đặc biệt, người thành công luôn có điểm tựa người thân vững chắc, giống như vợ của Jobs hay em trai của Musk, những người sẵn sàng là điểm tựa, tin tưởng tuyệt đối, và yêu thương họ vô điều kiện.
P/S: dự kiến sẽ đọc tiếp biography về một số nhân vật mình đang quan tâm sau: Che Guevera (kiểu anh hùng giàu lý tưởng, không đắm chìm trong vật chất hay danh vọng), Benjamin Franklin (một nhân vật xuất chúng kiểu đa tài), Albert Eistein (chưa tìm hiểu kĩ nhưng thấy vài quotes của ông này kiểu rất là witty, mình thích), Bill Gates (chưa biết cuốn nào, nhưng hi vọng về 1 cuốn thật hay khai thác cuộc đời idol này, người đã ảnh hưởng đáng kể đến tư duy đọc của mình. Gates thường thể hiện ra là lý trí và khôn ngoan, một doanh nhân làm việc theo kiểu nhà khoa học, nhưng mình muốn một cuốn kể nhiều hơn thế, nếu là Isaacson viết thì chắc chắn sẽ đọc).
Ảnh: một cuốn biography được tặng từ hồi xưa, với lời đề tựa lịm tim, đánh vào self-esteem tầm thường của tôi :).
Tumblr media
1 note · View note
chimsetocbay · 3 months
Text
Lòng bao dung độ lượng
Trong các bài giảng của Đức Phật có đoạn về lòng bao dung độ lượng như này: Nếu lòng ta là một cốc nước, người ta ném một nắm muối vào thì cốc nước sẽ mặn chát, không uống được. Nhưng nếu lòng ta là một dòng sông, người ta ném một thậm chí nhiều nắm muối thì dòng sông không vì thế mà mặn đi.
Vừa gần đây, mình quyết định tha thứ và làm hoà với một người, sau một năm rưỡi không nói năng với nhau câu nào. Người đó cũng không phải là một người thân yêu đối với mình, nên suốt thời gian qua mình cũng không có động lực gì để mà làm hoà cả. Mình mặc kệ, coi như không tồn tại. Khi xảy ra mâu thuẫn, thực ra cả 2 người đều ở tâm thế cảm xúc không tốt, người kia thì chịu nhiều áp lực, còn mình thì hẹp hòi. Mình tha thứ, không phải vì mình khởi phát yêu thương gì với người ta, mà chỉ đơn giản mình không muốn giữ một sự lạnh lùng trong lòng mình nữa thôi. Điều kỳ diệu của lòng bao dung là nó đến từ trong nội tại chúng ta, khác với tình yêu nảy sinh từ một đối tượng bên ngoài. Khi ta muốn lòng thanh thản thì ta tha thứ, khi đó lòng ta đã nới rộng hơn rồi, tự ái của ta đã nhỏ đi rồi. Khi làm điều đó, mình cũng không ngờ nó mang lại ảnh hưởng lớn đến như vậy. Mình chủ động 1 chút, người kia đáp lại, mọi người xung quanh cảm nhận được và tự dưng cả gia đình (mà cả 2 đều là thành phần trong đó) trở nên ấm áp lạ thường.
Nhà mình có 2 em bé, mình thì vốn thiên vị em lớn, và hầu như chỉ chơi với em lớn. Em bé từ lúc sinh ra đến gần đây, mình không bồng bế hay chơi cùng gì cả. Đợt vừa rồi, mình đi xa lâu ngày mới về qua thăm 2 em. Em bé vừa nhìn thấy mình đã hớn hở, giơ tay ra đòi bế và khi mình bế lên thì quấn quýt không cho ai bế lại cả. Dẫu là trẻ con không biết gì, chỉ là bản năng thôi, nhưng với một người bấy nay thờ ơ với em như vậy, mà em vẫn đón nhận mình thì mình lại thấy lòng mình thật nhỏ bé với em.
Bao dung, độ lượng là chủ đề được nhắc nhiều trong các bài giảng của Đức Phật, bao dung độ lượng (chứ không phải là tình yêu như trong nhiều quotes hay thơ ca phương Tây ngợi ca) mới là chất liệu làm chuyển hoá con người, khiến cho thế giới tốt đẹp hơn. Tình yêu thì cần nuôi dưỡng, mà nhiều khi nuôi dưỡng rồi mà tình yêu vẫn hết. Lòng bao dung thì chỉ cần ta không nuôi thù ghét, rồi một thời gian trôi qua, sẽ đến lúc ta sẵn lòng bỏ qua cho lỗi lầm của người khác để ta được thanh thản.
Bài học về tình yêu đã học từ gần 10 năm trước, bài học về bao dung độ lượng này, cũng không phải bây giờ mới biết, nhưng giờ mới thấm thía.
“Nắm muối không hề mặn
Với lượng cả dòng sông
Lỗi lầm kia bé nhỏ
Với cõi lòng mênh mông”
1 note · View note
chimsetocbay · 3 months
Text
Những người mãi như trong quá khứ
Mình có 2 người quen biết từ lâu năm, mà đến tận bây giờ mình cảm giác những người đó đối với mình không thay đổi gì. Chúng mình nhìn về nhau giống như chúng mình trong quá khứ. 2 người ấy đều đang ở những đất nước xa xôi. Chúng mình ít khi liên lạc nhưng cách họ liên lạc với mình suốt bao năm qua luôn là điều mà mình vô cùng yêu mến và trân trọng.
Người thứ nhất là bạn trai đầu tiên của mình. Đối với mình anh cũng không phải là mối tình sâu sắc hay đặc biệt gì. Có điều, suốt nhiều năm qua, đến ngày sinh nhật mình thì anh đều nhắn tin/ gọi điện chúc mừng. Hầu như là đều đặn hàng năm, từ khi chưa có Facebook thì anh gọi điện, còn đến giờ thì anh thường gọi qua messenger, hỏi xem mình đón sinh nhật như thế nào. Hồi đầu năm ngoái, anh về Hà Nội, 2 anh em hẹn gặp nhau ở 1 quán pub gần nhà mình, uống 1 ly ngồi nói chuyện rồi a tiễn mình về nhà. Trời mưa xuân, anh che dù và mình khoác tay anh đi bộ thong dong. Cảm giác dễ chịu như cái hồi tụi mình hẹn hò, khi đó mình đang đọc cuốn Suối Nguồn và khi hẹn nhau mình ngồi kể lại cho anh (how nhạt nhẽo I was :))).
Người thứ 2 là một người bạn, tên là T, xinh đẹp và tinh tế. Chúng mình là đồng nghiệp trong khoảng 1 năm, sau đó T ra nước ngoài định cư và bọn mình liên lạc chủ yếu qua email. Qua những email ấy, mình mới biết T lưu giữ nhiều kỉ niệm của 2 đứa, những tấm ảnh T chụp film cho mình khi đi team outing, những đoạn chat xàm xí của 2 đứa. Mình thích mái tóc đen dài của T, T thích vóc dáng nhỏ bé của mình. Mỗi năm 2 đứa viết cho nhau vài ba email thôi, cảm giác về T vẫn như 10 năm trước khi quen biết nhau. T cùng với T là 2 người cung Xử Nữ tinh tế sâu sắc mà khiến mình cảm thấy bản thân thật nông cạn (Đôi khi mình tự hỏi họ mến/ yêu gì ở mình nhỉ? Chắc chỉ có thể là do nhan sắc của mình thôi:)))). Họ mang con người đẹp đẽ của họ đến cho mình thưởng thức, không chỉ bằng những câu chuyện nói với nhau, mà cả những sự bất ngờ mà họ bỏ công dành cho mình. Kiểu thỉnh thoảng, bất ngờ mình sẽ nhận được 1 món quà từ phương xa của T, mình nhớ nhất hồi giãn cách covid, tự dưng bưu điện gọi báo giao cho mình món đồ. Đó là 1 phiên bản cuốn sách Little Prince bìa màu xanh rất đẹp và tấm thiệp Little Prince mà T gửi. T luôn nhớ là mình rất thích cuốn sách ấy, T viết là nhìn thấy trong hiệu sách lại nghĩ đến mình và muốn gửi tặng mình. Năm nay cũng vậy, sáng 27 Tết, mình ngủ dậy nhận được mail của T hỏi xem mình còn ở Hà Nội không để T nhờ mẹ gửi qua chiếc bình gốm mà T đã tìm thấy hợp với mình. Một bất ngờ ngọt ngào cho những ngày cuối năm âm lịch, xoa dịu cho nỗi buồn (mà mình chưa vượt qua hẳn) của năm rồi khi mình thấm thía sự vô thường của các mối quan hệ.
1 note · View note
chimsetocbay · 3 months
Text
Sáng đi ra đường, thời tiết âm u mịt mờ kiểu nồm. Mình lẩm bẩm “cái thời tiết Hà Nội quần què này, tôi phải mau vào Sài Gòn thôi”. Thế xong rồi mình đi ăn bát phở, uống 1 cốc chè xanh nóng. Ăn uống xong trong lòng lại phấn khởi, đi ra bến bus còn chụp cái ảnh không khí mù mịt post lên story. Đúng là cái thành phố này bẫy mình bằng đồ ��n, từ lần đầu tiên mình đến đây năm học lớp 4, cho đến tận bây giờ.
Hình ảnh bát phở bò nghi ngút khói giữa trời đông lạnh giá!
Tumblr media
1 note · View note
chimsetocbay · 3 months
Text
Repost từ ban.Ming.giau.ten
“Tôi là người khách cuối cùng của cửa hàng này, khi đến đây đã là lúc 5h45. Như anh nói “6h là bọn em nghỉ rồi, nhưng thôi em sửa nốt cho anh rồi nghỉ”. Đây không phải là lần đầu tiên tôi qua cửa hàng anh. Lần trước khi tôi qua, laptop của tôi không lên màn, tôi tưởng do lỗi pin hay sạc, anh loay hoay một lúc thì lại lên. Chẳng có lỗi lầm gì cả, tôi lại về. Anh cũng chẳng lấy đồng nào, dù anh mất cả giờ đồng hồ tháo ra rồi lắp vào chiếc laptop của tôi. Thậm chí anh còn vệ sinh máy giúp tôi, rồi dán lại cái dây sạc pin của tôi cho chắc chắn. Lần này trong lúc test máy, anh cũng nói “nếu nó không sao thì lại mừng, chỉ hơi mất thời gian của cả anh và em thôi”. May quá lần này nó đã sao, nếu không tôi áy náy chết. Vợ anh, cũng là người hỗ trợ anh bán hàng. Đúng 6h chị đứng dậy vào nấu cơm. Mùi cơm và mùi cá rán bay ra phía ngoài nơi anh đang làm việc. Đây là kiểu gia đình mà tôi thích nhất. Kiểu vừa vặn. Họ có một mong muốn vừa phải với cuộc đời, đủ chỗ cho một đời sống được thư thả. Có thời gian cho bản thân và gia đình và được sống với đầy đủ sự tử tế. Tôi hỏi anh về ngôi nhà đối diện là quán cafe à. Anh bảo “Vâng anh, nhưng anh em mình không uống được đâu, nó 45-50 nghìn 1 cốc kia, chủ yếu là để khách chụp ảnh thôi. Em uống thì toàn uống cafe 25 nghìn 1 cốc, nhưng mà nó đúng là cafe”. Tôi nhớ mãi câu này trước khi về, không phải là có tiền hay không có tiền, mà là chúng ta nên biết chính xác thứ chúng ta thật sự cần. Mà khi đã biết chính xác điều đó rồi, cái giá phải trả là rẻ.”
0 notes
chimsetocbay · 4 months
Text
Sách văn học
Hôm trước ngồi nói chuyện, có nhắc đến một cái post trên Facebook hỏi rằng “Cuốn sách nào đã thay đổi nhân sinh quan của bạn?”, thì hầu hết câu trả lời là các cuốn self-help, hiếm hoi thấy ai trả lời rằng là một cuốn sách văn học nào. Khi đó mình cũng đưa ra quan điểm của mình lý giải cho điều này, nhưng mình vẫn muốn xem xét lại nên đã mở lại cuốn “A little history of literature” của John Sutherland mà mình đã đọc mấy năm trước.
Thú vị là mở đầu cuốn sách, tác giả nhắc đến một khảo sát trên chương trình của đài BBC với câu hỏi “Nếu bạn phải ra sống trên một hòn đảo hoang đến hết đời, cuốn sách duy nhất (ngoại trừ sách tôn giáo kiểu như là Kinh thánh) bạn mang theo sẽ là cuốn nào?”. Hầu hết câu trả lời là sách văn học.
Đó chính xác là suy nghĩ của mình, khi nói đến đọc sách văn học, nhìn chung mình không tìm đến nhân sinh quan gì cả. Đối với mình đó là sự thưởng thức, tìm kiếm niềm vui giải trí, như khi mình ăn một cái bánh hay xem một cuốn film (thực ra có những film mình xem mình cũng hay suy ngẫm nhân sinh quan). Mình thưởng thức câu chuyện và tưởng tượng theo những gì được kể trong sách văn học. Văn học là nghệ thuật, và trên hết nghệ thuật là để thưởng thức, nó mang lại sự thích thú. Bởi thế nên cũng buồn cười nhưng cũng không phải vô lý khi một số triết gia Hi Lạp thời Plato tin rằng văn học là nguy hiểm, bởi nó có thể làm con người xao nhãng với đời sống công việc thực tế.
Ở cái thời mà chưa có phim ảnh, sách văn học chính là thứ giải trí phổ biến cho những người biết chữ, mà thường là giới thượng lưu - những người mà chả cần làm việc gì, chỉ cần hưởng lợi tức từ tài sản được phân chia. Hàng ngày họ thưởng thức các thú vui, trong đó có thú vui đọc sách văn học, những cuốn sách kể về thế giới của họ. Chỉ đến tầm thế kỉ 18, khi có nhiều người biết chữ và có điều kiện tiếp cận hơn, văn học mới trở nên đại chúng và còn là công cụ truyền thông, để các tác giả mô tả về các vấn đề nhức nhối của xã hội, nêu lên các quan điểm của mình và từ đây chúng ta mới bắt đầu có những tác phẩm gây chấn động lớn, và ảnh hưởng xã hội sâu sắc. Chắc ở giai đoạn này, nhiều cuốn sách văn học ảnh hưởng đến nhân sinh quan của nhiều người, kiểu như cuốn Little Women chẳng hạn.
Ngoài giá trị thưởng thức, mình cho rằng giá trị lớn của văn học đối với cá nhân chính là nuôi dưỡng trí tưởng tượng và ngôn ngữ, hai năng lực hết sức quan trọng của con người. Chính bởi vậy, văn học mới là môn học từ khi chúng ta bắt đầu đi học cho đến hết phổ thông. Đọc sách văn học giúp học sinh phát huy trí tưởng tượng và rèn giũa ngôn từ cho mình.
Nói chung với người lớn, để mà thưởng thức giải trí thì cứ đọc sách văn học, để tích luỹ kiến thức một cách hiệu quả thì đọc sách non-fiction, còn để rút ngắn thời gian tìm kiếm lời giải cho các vấn đề của bản thân thì có thể tham khảo sách của những người thành công kể về bài học cuộc đời của họ (self-help nằm trong nhóm này). Nhu cầu thứ 3 chắc là nhiều, đến từ nhiều áp lực từ đời sống, nên nó lý giải cho điểm mở đầu trên đây.
P/S: Nhìn xuống tay lại nghĩ đến cuốn sách yêu thích nhất của mình “Hoàng tử bé”. Lần đầu mình đọc là hồi học cấp 1, khi đó cũng không nghĩ ý nghĩa cuốn sách kể là gì, chỉ thích thú với tưởng tượng cảnh được ở trên 1 hành tinh nhỏ, trồng 1 cây hoa hồng và trong ngày có thể đi hết cả hành tinh. Đến năm 4 đại học, mình đọc lại thì khi đó mình nhận ra cuốn sách phản chiếu những cảm xúc và những nhân sinh quan đã tồn tại trong mình. Mình còn nhớ khi đó còn ngồi chép lại cuốn sách, kiểu nắn nót viết từng chữ cho nó thấm hết vào mình. Trong 3 bản “Hoàng tử bé” của mình thì có đến 2 bản được tặng bởi 2 người khi đi qua cửa hàng sách nhìn thấy đã mua tặng mình vì đã luôn nhớ đây là cuốn sách ưa thích của mình. Chắc đi ra hoang đảo 1 mình thì mình sẽ mang cuốn này, cũng mỏng, đọc cũng không được lâu đâu vì loay hoay 1 mình trên hoang đảo chắc mình cũng không sống được lâu.
Tumblr media
1 note · View note
chimsetocbay · 4 months
Text
The secret life of Walter Mitty - “Beautiful things don’t ask for attention”
Một bộ phim từ năm 2013, với bối cảnh là thời mà còn còn dùng dump phone, ảnh tạp chí còn tráng từ phim. Nhân vật chính là Walter Mitty, làm việc ở một tạp chí, phụ trách tráng phim do phóng viên gửi về để làm trang bìa tạp chí. Walter là kiểu người cần cù với công việc thầm lặng, anh 42 tuổi, anh đang crush một đồng nghiệp nhưng không đủ can đảm làm quen và đang cố gắng gửi wink icon cho cô ấy qua một trang hẹn hò online nhưng không được. Anh gọi lên tổng đài trợ giúp thì được trả lời do anh chưa hoàn chỉnh profile, anh còn thiếu phần “Been there, Done that” để có thể tạo ấn tượng trên profile. Anh skip phần này bởi “I haven’t really been anywhere noteworthy or mentionable”. Những thứ đó chỉ có trong trí tưởng tượng khi anh ngẩn ngơ mơ mộng giữa ban ngày mà thôi. Thế rồi sự cố xảy ra, tạp chí bị mua lại, sẽ có tái cấu trúc nhân sự, và sẽ chỉ có 1 trang bìa cuối cùng được đăng lên và đó là bức ảnh đánh số 25 ở cuộn phim âm bản mà nhiếp ảnh gia Sean O’Connel gửi đến. Thế nhưng khi tráng ảnh ra, Walter không tìm thấy bức ảnh số 25, và từ đây là hành trình “Been there, Done that” ấn tượng của Walter xảy ra, khi anh nỗ lực đi tìm kiếm Sean để hỏi về bức ảnh số 25 mà anh tin là Sean chưa gửi đến.
Lần thứ 1, Walter lần theo dấu vết các bức ảnh khác, và với quyết tâm gây ấn tượng với crush, Walter đã đến Greenland và rồi Iceland, cũng trải qua những điều phi thường kiểu nhảy từ trực thăng xuống biển, đấm cá mập, trượt ván trên con đường băng qua thung lũng… nhưng không tìm thấy Sean. Trở về và bị sa thải, Walter vẫn háo hức tìm đến nhà crush với hi vọng những trải nghiệm của anh sẽ gây ấn tượng với cô thì lại thất vọng khi thấy một người đàn ông mở cửa. Cả cuộc phiêu lưu chả còn có ý nghĩa gì, dẫu rằng đó là những điều phi thường với cuộc đời hơn 40 năm lặng lẽ của anh, bởi anh… bị thất tình! Điều tệ nhất của tình ái chính là nó thao túng chúng ta nghĩ rằng những điều khác trở nên vô nghĩa so với nó!
Lần thứ 2, hành trình dẫn đến Himalaya, lúc này Walter quyết tìm ra bức ảnh số 25, và cũng để thực hiện ước mơ của chính anh từ thưở bé, để viết những dòng nhật ký hành trình mà bố anh đã tặng anh cuốn sổ. Anh tìm ra Sean thật, ông đang canh để chụp bức ảnh con báo tuyết trên núi. Khi hỏi về tấm phim của bức ảnh số 25 thì hoá ra, Sean đã để nó trong chiếc ví gửi tặng Walter kèm với cuộn phim, với lời nhắn tri ân công việc của Walter suốt bao nhiêu năm qua, ghi nhận anh là partner mẫn cán của ông và nhắn Walter “look inside”. Walter đã không look inside, và sau khi thất vọng với crush anh còn vứt luôn cái ví vào thùng rác. Bức ảnh số 25 đó thực ra chụp chính Walter, là lời tri ân của Sean cho con người thầm lặng đằng sau những ảnh bìa, ở trang bìa cuối cùng này. Anh nghĩ thật thú vị khi gửi đến cho Walter theo cách như vậy. Nhưng Walter đã không nhận ra, và thậm chí khi thất vọng vì tình yêu còn vứt đi. Sean chỉ nói “it hurts my feelings”. Một ý tưởng lãng mạn, bay bổng không dễ gì được hiểu bởi người nhận. Mình đã làm điều như vậy nhiều lần với nhiều người (chứ không chỉ người yêu), có khi người ta hiểu, có khi người ta không. Khi được hiểu thì đúng là thật sung sướng. Khi không được hiểu, đúng là “hurts the feelings”. Nhưng dẫu sao, kiểu lãng mạn đó vẫn là “a beautiful thing”, vẫn luôn ở trong tâm hồn mình, dù được hiểu hay không.
Bộ phim kiểu dạng mộng mơ, phi thực tế. Ai không thích nội dung thì cũng có thể thưởng thức những cảnh quay chỉn chu, nhất là khung cảnh ở Iceland. Ai không thích xem cả bộ phim, chắc cũng chỉ cần xem cảnh ấn tượng nhất phim là đoạn Walter gặp Sean ở trên núi Himalaya, nơi người phóng viên mất bao công săn tìm chụp ảnh con báo tuyết nhưng khi nhìn khung cảnh quá đẹp, ông không bấm máy để được thưởng thức trọn vẹn mà không bị máy ảnh làm xao động.
Tumblr media
0 notes
chimsetocbay · 4 months
Text
Substance over form
Trong 1 khoảng thời gian làm công việc liên quan đến kế toán, mình thấy 1 nguyên tắc kế toán thú vị là “substance over form”, có nghĩa là phải ghi nhận giao dịch kinh tế dựa trên bản chất của nó thay vì hình thức pháp lý bề ngoài. Nguyên tắc này yêu cầu kế toán viên phải xem xét kĩ nội dung của giao dịch để phản ánh đúng vào sổ sách kế toán, chứ không chỉ xem giấy tờ thể hiện bề ngoài.
Mình nhớ hồi học đại học, mình thích môn marketing lắm, mình cặm cụi đọc sách của Phillip Kotler và tâm niệm sau này ra trường sẽ làm nghề này. Ra trường mình làm nghề khác, và khi mình tiếp xúc mấy người làm marketing thì mình cực kì mất thiện cảm, họ thiếu minh bạch trong sử dụng chi phí, và họ hời hợt về quản lý. Khi đó mình đã nghĩ đó là substance của cái nghề đấy và định kiến coi thường đáng kể, thêm cả truyền thông vớ vẩn đưa tin câu view mình cũng xếp vào cái nhóm này. Đến khi tiếp xúc với người làm nghề truyền thông agency, mình quá kinh ngạc về chiều sâu tư duy và hiểu biết, tâm tư về những đánh đổi trong nghề nghiệp, đam mê sáng tạo. Kiến thức về nghề đấy cũng thú vị và đa dạng, cũng đòi hỏi sự học tập nghiên cứu không khác gì nghề của mình. Nó cũng đòi hỏi những sự chuyên sâu nhất định, chứ không phải hời hợt qua loa, kiểu như làm TVC cũng có chuyên về bất động sản hay ngành hàng tiêu dùng, mỗi thứ có một cái “mode” riêng mà không thể nào cùng lúc làm nhiều thứ chồng chéo được. Người viết báo giỏi thì cũng chả cần viết tin câu view, họ sẽ viết những bài columns được trả giá đến hàng nghìn đô/ bài bởi các báo nước ngoài…. Dẫu rằng, như nhiều nghề khác, thị hiếu của hiện tại vẫn chi phối, muốn tồn tại thì vẫn phải câu view…. Hẳn đấy mới là substance của một nghề nghiệp, mà nó bị che đi bởi những forms mà mình đã từng định kiến.
Substance và form - bản chất và hiện tượng/ hình thức thường cứ nhập nhằng với nhau, hỏi ý kiến hay cảm nghĩ của người này người kia cũng không mang lại nhiều giá trị lắm, mang tính chất chia sẻ thôi. Muốn hiểu bản chất thì chỉ có quán chiếu nó với bản thân mình, để hiểu nó là gì. Mà nó có là gì thì cũng không có gì là quan trọng cả, bởi cũng chỉ là 1 trong vô vàn điều tồn tại trong thế giới của ta, mà còn không chắc là có tồn tại được bao lâu.
P/S: “Thuật ngữ trong nghề gọi là “chạy campaign”. Hình thức thì là tình cảm các thứ nhưng bản chất chạy campaign. Còn chạy campaign tức là còn mục tiêu cần đạt.”
1 note · View note
chimsetocbay · 5 months
Text
Silence is an ocean
“Silence is an ocean
Language is a river
A hundred voices inside saying
'That's enough for now'
When the ocean calls to you
Don't walk to the river
Listen to the ocean
That's enough for now”
0 notes
chimsetocbay · 5 months
Text
“Táng hoa ngâm” - Bi thương của trí tưởng tượng
“Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ
Sau này ta chết ai là người chôn
Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn
Cũng là khi khách hồng nhan về già
Hồng nhan thấm thoắt xuân qua
Hoa tàn người vắng ai mà biết ai”
Cảnh Lâm Đại Ngọc chôn hoa đào rụng, đôi mắt đẫm lệ và khúc hát “Táng hoa ngâm” là kinh điển của phim Hồng Lâu Mộng, mà dù mình đã xem từ khi còn bé đến bây giờ vẫn còn nhớ y nguyên. Thuở bé, chưa trải nghiệm gì, mình chỉ biết sững sờ vì cảnh phim quá đẹp, Đại Ngọc quá đẹp và bản nhạc quá hay. Cũng như nhiều người xem phim, mình cũng xúc động xót thương cho số phận bất hạnh của Đại Ngọc.
Đến giờ ngẫm lại, mình thấy Đại Ngọc khổ cũng không phải do số phận, mà do tự trong tâm của cô ấy thì đúng hơn. Chính xác thì, cô ấy có trí tưởng tượng quá mức. Cảnh hoa đào nở và rụng đẹp long lanh như thế, nếu cứ say mê ngắm và cảm nhận hạnh phúc được tận hưởng cảnh đẹp này thì có hơn không. Còn đây, với trí tưởng tượng của mình, cô ấy nghĩ đến xác hoa tơi tả, xót thương cho bông hoa chóng tàn, rồi nghĩ đến phận hồng nhan của mình đến ngày tàn phai, không còn ai thương nhớ, và thậm chí là chết rồi không biết có ai khóc thương, chôn cất.
Trong cuốn “Homo Sapien”, Yuval Harari đã nói rằng năng lực vượt trội của Homo Sapiens so với các giống loài khác chính là trí tưởng tượng. Bằng trí tưởng tượng của mình, Sapiens phát minh ra nhiều thứ, và kiến tạo nên nền văn minh cho mình, nào là máy móc công cụ, nào là những khái niệm vô hình như công ty, chủ nghĩa tư bản… Nhưng ông cũng đặt lại câu hỏi, liệu sự phát triển đó có khiến con người hạnh phúc hơn hay không? Chúng ta có hạnh phúc hơn tổ tiên săn bắn hái lượm, nay đây mai đó, thưởng thức bầu trời tự do, thiên nhiên hoang dã hay không?
Trí tưởng tượng là sức mạnh của chúng ta, nhưng nó cũng chính là điều làm khổ chúng ta. Sống trong hiện tại, ta không tận hưởng hiện tại, mà ta lo âu về ngày mai, ta tưởng tượng về những điều mà không biết nó có tồn tại thật hay không và để nó chi phối cảm xúc của ta. Điều này không khác nào có sức mạnh trong tay mà không thể chế ngự nó.
youtube
0 notes
chimsetocbay · 5 months
Text
Công việc - những triển vọng
Sau mấy tháng, cái đầu lại được tư duy công việc ở mức độ nó muốn. Mấy tháng qua rảnh rỗi quá, công việc quản lý, vốn là 1 năng lực nổi trội của mình, khiến mình giải quyết nó nhanh chóng, mà nó lại chán, nên khiến mình rất mất cảm hứng. Đến hôm nay, ngồi say sưa ngâm cứu 2 cái opps, đều potential, 1 trong 2 là client ưa thích của mình và phạm vi sẽ mở rộng sang cả mảng năng lượng xanh mà mình quan tâm. Chỉ cần win cái này, hoặc cả 2 thì càng tốt là có job cho các em thơ làm việc và phát triển trong 2 năm, thậm chí mình sẽ được tuyển thêm người, cơ hội khai phá thêm vì sẽ có thêm nhiều entities mới trong đó. Mọi thứ ổn thoả chờ cộng sự VH quay lại (buổi tư duy chiều nay mà có cả VH tham gia thì tuyệt vời). Bao nhiêu là triển vọng.
Thực sự có win thêm thì cũng chẳng thêm tiền lương thưởng gì đáng kể đâu, chỉ có sẽ được làm việc chuyên môn, được tư duy theo cách mình thích, làm việc với những người phần đa là chính trực giỏi giang, được làm việc ở mảng mà mình cảm thấy nó đóng góp cho đất nước một cách thực chất. Chính là công việc mơ ước từ hồi 18 tuổi chứ đâu.
Bài vở đã hòm hòm rồi, sẵn sàng cho chiều mai debate với ông sếp đáng kính.
After months of drying out, this weeping willow is watered :).
Tumblr media
0 notes
chimsetocbay · 5 months
Text
youtube
Người có gu
Hôm qua vô tình xem video này, mình cũng tò mò về nhân vật Nguyễn Quí Đức, mình search một chút thì cũng không thấy có tác phẩm nào của ông (với tư cách nhà văn) gây chấn động đáng kể. Mình hỏi bạn mình (làm trong giới truyền thông) về ông này, bạn mình bảo cũng không phải là tác phẩm gì lớn lao đâu, mà ông ta được người trong giới nể bởi vốn hiểu biết phong phú trên nền tảng trải nghiệm đa dạng, lối sống tự do và đặc biệt là người có gu.
Nghe thế, mình lại nghĩ ngay đến Oscar Wilde. Với tư cách là nhà thơ, nhà viết kịch, Oscar cũng không có tác phẩm gì lớn lao. Tác phẩm đáng kể nhất “The Picture of Dorian Gray” là tác phẩm hiếm hoi mà Oscar hoàn thành. Oscar cũng viết báo tuy nhiên rất tuỳ hứng và phập phù. Thế nhưng ở thời đó, Oscar Wilde rất được hâm mộ, đặc biệt là tại nước Mỹ, có lẽ có thể nói với tư cách “Một người có gu”. Ông được coi là người đầu tiên đưa ra định nghĩa về Aestheticism - “a search after the signs of the beautiful” và phản ánh nó trong các tác phẩm, lối sống và đặc biệt trong các bài giảng của mình. Thế kỷ 19 ở châu Âu và đặc biệt là nước Mỹ, cách mạng công nghiệp lần 2 diễn ra mang lại cho con người đời sống vật chất dư dả hơn, đó là khi người ta khao khát thể hiện mình ở “gu thẩm mỹ” chứ không chỉ là tiền bạc, địa vị nữa. Nhu cầu này có ở số đông nhiều hơn chứ không chỉ giới hạn trong giới quý tộc như trước đó. Dân Mỹ phát cuồng lên khi Oscar Wilde mang đến những bài giảng về aestheticism. Trong bộ cánh cầu kỳ, tay cầm 1 cành hoa ly, phong thái tao nhã, những luận điểm thông minh trong các bài giảng, Oscar khiến dân Mỹ thán phục và say mê. Đến tận bây giờ, những câu nói của Oscar vẫn còn được quoted rất nhiều trên internet.
Lại nói về chiếc video trên, một content mà Vietcetera xây dựng trong những ngày đầu thành lập, toàn bộ nội dung trong 3 phút, với hình ảnh đẹp, narrative không dài dòng, phản ánh trọn vẹn phong thái của nhân vật chính. Video được 30k views sau 5 năm, quá ít ỏi so với con số hàng trăm nghìn views thậm chí hàng triệu views trong vòng vài tuần của các podcast bây giờ của Vietcetera. Những người sáng lập Vietcetera đã sớm nhận ra, thị hiếu của dân Việt Nam không có mấy chỗ cho những content lãng đãng, nói ít mà để cho người xem tự suy ngẫm. Họ thích những nội dung dễ hiểu, nhưng nó phải gói trong những triết lý có vẻ sâu sắc, như các podcast mà Vietcetera đang rất thành công bây giờ (dựa trên lượng views). Gu số đông nó là như thế, người sáng tạo có muốn đột phá cũng khó vì làm thế thì rất ít người tiếp nhận, và kết cục là chả có tiền mà nuôi thân. Không phải mình kỳ thị nội dung bây giờ của Vietcetera, nhưng khi xem video kia, mình tiếc là họ không thể duy trì một phần nội dung như thế nữa. Một kiểu nội dung nói ít, gợi mở suy ngẫm nhiều chiều cho người xem. Cũng giống như các phim nghệ thuật, cũng ít khi được trình chiếu ở Việt Nam, bởi chả ai xem.
Mình nghĩ, nhu cầu về thẩm mỹ phát triển cùng với sự phát triển vật chất của xã hội, nhưng để mà đi vào chiều sâu thì cần nền tảng giáo dục. Nền giáo dục khuyến khích sự sáng tạo và đa dạng, sẽ làm nên gu thẩm mỹ của người dân đa dạng, và họ có thể tiếp nhận nhiều thứ chứ không phải một vài khuôn mẫu số đông. Khi đó, người sáng tạo có thể đi theo hướng đi riêng mình mong muốn mà vẫn có nhiều cơ hội được tiếp nhận (và kiếm được đủ sống, dẫu có thể không giàu), chứ không phải chăm chăm đi theo thị hiếu số đông. Còn người xem, họ sẽ đào thải những nội dung nhảm nhí, những cu���n sách nông cạn, những tác phẩm dở hơi. Đám ấy, có thể tồn tại, nhưng chỉ là chóng vánh, và nhanh chóng bị lãng quên để dành chỗ cho những giá trị sâu sắc thực sự.
1 note · View note
chimsetocbay · 5 months
Text
Đại Ngư Hải Đường - Nhân duyên khởi sinh tự nhiên, dưỡng hay diệt là ở trong tâm ta
Bộ phim kể về 3 nhân vật chính - Xuân, Thu và Côn. Xuân và Thu là người ở thế giới siêu nhiên, có năng lực đặc biệt. Khi Xuân đủ 16 tuổi, như bao người khác ở đây, Xuân được đến thăm thế giới của loài người trong hình hài con cá heo nhỏ với lời căn dặn không được tiếp xúc gần con người. Nhưng Xuân đã bị thu hút bởi tiếng sáo của Côn - một cậu bé ở thế giới loài người, cũng như sự gắn bó hạnh phúc của anh em Côn. Thế rồi, Xuân bị vướng vào lưới cá, Côn đã cứu Xuân và mất đi mạng sống. Nhân duyên của Xuân và Côn khởi sinh ở đây. Khi trở về thế giới của mình, Xuân không thể nào quên được mối nhân duyên đấy và coi đấy như món nợ mà cô cần phải trả. Xuân đã làm điều trái với lẽ tự nhiên là tìm cách để Côn có thể sống lại, và trả bằng cái giá là 1 nửa tuổi thọ của mình. Để rồi sau đó, nhân duyên tiếp nối, rồi Thu - người bạn từ thời thơ ấu hết mực yêu thương Xuân, sẽ lại trả giá bằng toàn bộ tuổi thọ của mình để cho Xuân có thể tiếp nối nhân duyên với Thu.
Nhân duyên khởi sinh khi 2 con người quen biết nhau. Khi họ yêu thương nhau, đó là đại nhân duyên, còn nếu có thể gắn bó bên nhau 1 thời gian dài thì là đại đại nhân duyên rồi. Nhân duyên khởi sinh tự nhiên, ta không biết được, nhưng quyết định nuôi dưỡng hay diệt đi nhân duyên đó thì lại là ở trong tâm ta quyết định, là ta có muốn hay không, nếu muốn rồi ta sẽ tìm đúng thời điểm để cắt đứt nó. Nhân duyên cũng lại có duyên tốt lẫn duyên xấu, nhận định nó tốt hay xấu, cũng lại là ở tâm ta tự quyết định.
Hôm qua, kindle của mình đã tắt ngúm, 1 tuần trước nó đã tắt vậy rồi và mình rất buồn. Chiếc kindle 12 năm sử dụng, mình mong được dùng nó mãi. Nhưng rồi hôm qua, mình chợt nhận ra dường như nó tắt đi cũng phù hợp với 1 nhân duyên đã đứt của mình. Mình nhận ra từ khi nhân duyên của mình và T kết thúc, các món đồ T tặng mình lần lượt hỏng - đôi giày hoa đã rách nát, bút parker không thể viết được nữa (dù đã cố sửa), điện thoại IP6 rơi vỡ màn hình và đến giờ là kindle tắt ngúm có lẽ bởi cái cover chính là do T mua cho mình. Nhân duyên kết thúc, thì chẳng có gì nuôi dưỡng cho sự tồn tại của chúng nữa chăng?
Khi còn có duyên với nhau, có khi ngồi trên xe bus ta cũng có thể nhìn thấy người kia đang đi xe máy trên đường, nhưng khi hết duyên trong thành phố loanh quanh có vài quận trung tâm mọi người hay qua lại mà cũng chẳng đụng nhau. Các nhân duyên đã đứt của mình, biến mất khỏi cuộc đời mình một cách tự nhiên, không hề gặp lại, như người ta hay nói: là đã hết duyên rồi.
Tumblr media
1 note · View note
chimsetocbay · 5 months
Text
Những người đang yêu
Blog này được viết ra, và sẽ được nối dài theo những bộ phim mình xem. Blog dành để nói về những nhân vật đang yêu trong những bộ phim mình xem. Tuỳ vào việc mình xem phim và ấn tượng với các nhân vật như thế nào thì blog này sẽ được viết tiếp hay chỉ dừng ở đây :)
Faye - Chungking Express (Trùng Khánh Sâm Lâm): Đầu tiên phải là Faye rồi, người đã gợi cảm hứng để mình viết blog này. Xem cả bộ phim, chuyện tình của viên cảnh sát 223 với mấy lon dứa hết hạn như tình yêu của anh ta chả có ấn tượng gì với mình. Chuyện tình của viên cảnh sát 663 với cô người yêu cũ tiếp viên hàng không cũng thế. Cả bộ phim chỉ đọng lại Faye đang yêu viên cảnh sát 663, với những cảm xúc và hành động tự nhiên trong trẻo như chính tình yêu của cô vậy. Faye thích 663, và có chìa khoá căn hộ của anh (do người yêu cũ của anh gửi trả tại quán) và vin vào lời mời lơi anh “rảnh thì ghé qua chơi”, cô nàng hàng ngày tự mở cửa vào căn hộ của crush. Cô say mê khám phá thế giới riêng của crush, xáo tung đồ đạc rồi sắp xếp lại, thay giúp anh những đồ đã cũ, mua cá vàng thả vào bể, leo lên giường của crush cầm kính soi tìm từng sợi tóc xem anh ta có hẹn hò ai không. Cô thậm chí còn mang đĩa nhạc ưa thích của mình đến đó nghe, và để quên ở đó. Faye hạnh phúc với cảm xúc của mình, đắm chìm trong không gian sống mà đâu đâu cũng có dấu vết của crush. Faye cũng hay kiếm cớ để giả vờ vô tình gặp crush, nhờ anh bê đồ hộ… thế nhưng cô chẳng nuôi ý đồ tiến tới, tán tỉnh gì. Có thể bởi trong cô còn giấc mơ California chưa thực hiện được, và thực tế là đoạn cuối phim crush phát hiện ra mời cô hẹn hò ở quán tên là California, cô đã đến những chẳng gặp. Cô vẫn chọn đi theo giấc mơ California của mình, và để lại tấm vé có thời hạn 1 năm cho crush, hẹn ngày cô quay lại. Faye chính là mình của những ngày tháng còn đi học, tình cảm trong trẻo không mong hồi đáp, chỉ cần gặp crush khi thì ở nhà để xe của trường, cùng đi về từ lớp học thêm, hoặc nhìn lén crush trên trường là đã vui lắm rồi. Khi đó, giấc mơ của mình vẫn là tương lai học hành để xây dựng sự nghiệp. Cảm xúc với crush nhẹ nhàng êm ái, không chút buồn đau, không ghen tuông khi crush có bạn gái luôn. Lặng lẽ như thế suốt từ lớp 9 đến năm đầu đại học, để rồi nó tan biến lúc nào không hay.
P/s: ảnh cho blog này là cảnh Faye trốn khi đang ở căn hộ của crush thì anh đột ngột trở về nhà :)))
Tumblr media
0 notes