Tumgik
roxannycoco · 1 year
Text
0 notes
roxannycoco · 1 year
Text
Những suy tưởng rời rạc và chu kỳ hưng cảm không tuần hoàn:
Tumblr media
Xuất phát từ tư tưởng ấu trĩ, bốc đồng vô nghĩa và đầy cảm tính
Một câu chuyện nhạt nhẽo về sự ẩn ức khá vô tâm của một kẻ ngoài cuộc tự coi mình là sinh vật nằm bên lề của lịch sử, một kẻ hèn kém chỉ biết dựa hơi vào cái vỏ bọc an toàn để bảo tồn chính kiến với cái tôi ba phải thủ cựu. Quan điểm chính trị: Anarchy. Quan điểm về xã hội: Misanthropy. Không đi theo tư tưởng của những triết gia nào ngoài niềm tin sự tồn tại của con người là thống khổ và hủy diệt.
Tôi đang đưa tang cho nước Nhật Bản trong âm thầm. Hôm nọ tôi bảo với con bạn thân rằng Nhật Bản đang chết từ từ trước điệu bộ ngả ngớn vô tư cùng cái điệu cười ràn rạt như đài radio nhiễu sóng chẳng khác đếch nào một con thiểu năng kia đang mở mồm châm trọc tôi là một con me Nhật mất gốc thảm hại khốn khổ khóc thương cho một quốc gia với lịch sử đầy nhơ bẩn tội lỗi và còn chẳng buồn biết đến sự tồn tại của bản thân. Thú thật tôi cũng không rõ kể từ khi nào mình đã đánh mất cái gốc rễ và nguồn cội quê hương, có lẽ là kể từ sau một khoảng thời gian dài đối thoại và trăn trở cùng chính mình cũng như công cuộc mày mò không hồi kết đầy khốn khổ về những cơn sang chấn trong quá khứ của tuổi ấu thơ để đi tìm cái tôi cũng như lý do để khẳng định cho bản thân của hiện tại. Một sự thật tầm thường, mỉa mai và cay đắng rằng tôi nhận ra mình chẳng thuộc về một quần thể nào và cũng không thoải mái khi cố gắng gán ghép cho mình một định nghĩa cụ thể. Khái niệm về danh tính là một nỗi đau và tôi chấp nhận việc nhìn vào mình trong gương là một cái lỗ đen vũ trụ khoét rỗng và đang khao khát hút mọi vật chất vào bên trong và rồi hủy diệt chúng. Tôi báo cáo với nó: “Mày biết đấy Nhật đã bị đầu độc gần 10 năm rồi, chỉ là khoảng thời gian gần đây nền kinh tế thoái trào và khủng hoảng mạnh mẽ kéo đến vồ vập như những đợt rung chấn của động đất điển hình, đồng yên sụt giảm, lạm phát, tham nhũng, sự sụt giảm dân số mạnh mẽ, tự tử, sự vô vọng và mất mát của một thế hệ trẻ. Tao đã nhìn ra nó kể từ chuỗi sụp đổ lớn nhất theo hiệu ứng domino của hệ thống Evergrande.” Có lẽ nó đã thật sự chết kể từ khi thủ tướng Shinzo Abe bị sát hại, kể từ khi đó cho đến nay, tôi dường như cảm thấy mất đi toàn bộ sự liên kết của Nhật Bản đối với thế giới bên ngoài, đôi lúc Nhật Bản đối với tôi trở nên mơ hồ giống như sự bốc hơi của Hy Lạp cổ đại hay Lưỡng Hà, và tôi giật mình bởi lẽ tôi nhận ra hai nền văn minh cổ này chết đi đều là những nền văn minh giàu đẹp và là cái nôi của nghệ thuật, văn hóa.
Nhật Bản đang chết, nghệ thuật đang chết, đấy là điều duy nhất tôi có thể khẳng định.
Mẹ bảo tôi là một đứa rảnh rỗi nên hay có nhiều những trăn trở, suy tư vô nghĩa và lệch lạc, một đứa đồng bóng tắc kè hoa về mặt tâm tưởng nhưng lại vô công rồi nghề về kiến thức và kỹ năng xã hội và chẳng đem được giá trị gì cho đời ngoài việc mơ mộng về những lý tưởng ba đồng rởm đời rất thiếu cơ sở từ sự nhàn rỗi và căn bệnh tăng động giảm chú ý. Nhưng mẹ đâu biết thật ra tôi vốn chả yêu thích thứ gì mấy, không có một mục tiêu hay động lực cho bất cứ điều gì xung quanh, ngay cả việc viết lách và đọc sách hiện tại đối với tôi cũng chính là một cực hình. Tôi chẳng nhớ rõ từ bao giờ mình đã chấp nhận rằng tri thức chính là đau khổ và nó cũng dễ chết đi như sự tồn tại của nghệ thuật và lịch sử. Sự chết của tri thức không phải do con người cố tình chôn vùi nó hay gạt nó đi một cách vô cớ, mà đó chính là việc con người chẳng thể chịu nổi cô đơn để trở thành nô lệ của nó, chẳng thể đủ minh mẫn và tỉnh táo để truyền đạt nổi nó, chẳng thể nào đủ quyền lực để ngăn chặn sự biến tướng, quái thai và lập dị khi có những kẻ xấu xa ngoài kia đang rao bán nó đi một cách vị kỷ và vô nhân tính. Bất chợt khi viết đến dòng này, tôi vô tình nghĩ đến tác phẩm “Người leo núi” của Sakamoto Shinichi cùng với triết lý của tác phẩm khiến tôi ấn tượng suốt đời: “The peak of everthing is nothing afterall”.
Quay trở lại về cái chết của Nhật Bản và nghệ thuật.
Sống mũi tôi chợt cay khi nghĩ đến việc bật thốt ra một mệnh đề thiếu phản tư không một trích dẫn, phân tích, số liệu và ngẫu nhiên đến đơn điệu tầm thường như một bữa ăn xế. Tôi có một ảo tưởng xấu xí về viễn cảnh của một quốc đảo đang dần chìm sâu xuống đáy đại dương hoặc bị san bằng trong một biển lửa thiêu đốt và cháy rụi trong một trận xả bom nguyên tử ngẫu nhiên nào đó được lặp lại y như cái năm 1945 kinh hoàng để rồi biến mất vĩnh viễn như một giấc mộng đẹp, lặp lại sư yên nghỉ của những nền văn minh cổ. Mà trong đó, những biểu tư���ng của những gì đẹp đẽ nhất cũng sẽ bị tiêu hủy. Shinzo Abe chết là một cú sốc lớn đối với tôi, và cơn chấn động này nghiễm nhiên là bất khả dĩ qua việc định nghĩa một lão lãnh đạo già nào đó đã truyền cảm hứng cho tôi và một quốc gia như thế nào. Một lý thuyết hệ phi tuyến tính: tôi còn chẳng đọc bất cứ một học thuyết nào của Abe và thậm chí là phản đối những chính sách về sinh đẻ của ông. Tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ còn là sự diệt vọng của một biểu tượng, giống như sự kiện cầu London sụp đổ hoặc khi nữ hoàng Elizabeth qua đời. Tôi vẫn đang hoài niệm về quá khứ, hoài niệm về cái đẹp và nền văn hóa bất tận của một quốc đảo, tôi bi lụy và níu kéo chúng giống như người Anh quốc đang khóc thương và cầu nguyện trong đám tang của nữ hoàng, nhưng cũng đồng thời bất an và sợ hãi về sự nhào nặn đầy cảm tính và thô bạo của những kẻ ngu xuẩn chẳng hiểu gì về nghệ thuật nếu như cái đẹp tiếp tục được lưu giữ. Tôi nghĩ về việc nữ hoàng mất trong những giọt nước mắt của những người con xứ Anh quốc và sự hả hê của những con người nằm ở phần còn lại của trái đất, tôi nghĩ về nỗi ẩn khuất u sầu và sự tự hủy để cống hiến cho nghệ thuật của đại văn hào Dazai Osamu nhưng lại trở thành một dạng “nghiện ngập và khoái cảm đẹp đẽ với những cảm xúc tiêu cực” trong mắt của những kẻ chẳng hiểu gì về nghệ thuật và văn học chân chính, chỉ biết cố theo đuổi những thứ đẹp đẽ kinh điển được dán nhãn và chỉ điểm đến một cách vô tri. Một bi kịch không thể chối bỏ: gạt qua mọi sự duy cảm yếu đuối, mong manh đầy bản năng, tôi vẫn đưa tang chúng, đưa tang cả nước Nhật bằng cả lý trí và nỗi đau đớn bất tận, bởi tôi hiểu rằng, việc lưu giữ cái đẹp trường tồn là điều không thể. Vốn dĩ chẳng gì có thể tồn tại được mãi mãi và vĩnh hằng, ngay cả cái đẹp rồi cũng sẽ hoen ố dần theo môi trường tự nhiên hoặc trong bàn tay của nhân loại.
Dường như tôi có một niềm biết ơn vô tận đối với nhân vật Mizoguchi,với tác giả Yukio Mishima và cả về hoạn cảnh đốt chùa Kim Các bị phóng hỏa bởi Mizoguchi được viết trong tác phẩm Kim Các Tự. Trong khoảnh khắc nhìn thấu và tưởng tượng ra khoái cảm và sự thăng hoa đầy bệnh hoạn của gã Mizoguchi khi chứng kiến tòa Kim Các - một chân lý hoàn mỹ bất diệt của đời gã đang bị thiêu rụi và hủy hoại ngay dưới chính bàn tay gã, có lẽ tôi nhận ra đây là khoảnh khắc một cái đẹp trường tồn phải chết đi để một cái đẹp khác được sinh ra và giải phóng ngay tại cái chết từ từ đó: và cái đẹp đó chính là cái đẹp của sự tự do. Vốn dĩ ngay từ đầu cái đẹp đã không thể bị giam cầm và bị chiếm hữu, tòa Kim Các không thể mãi trở thành một thực thể lộng lẫy duy nhất lấn áp mọi vật chất khác khỏi nhận thức về sự sống và cái đẹp của Mizoguchi. Vậy nên nó cần phải bị hủy diệt một cách đẹp đẽ nhất trong thời khắc hoàng kim của cuộc đời nó, ngay cả khi việc giết nó xuất phát từ sự ích kỷ cá nhân, từ khao khát chiếm hữu nó trong tâm trí với mong muốn nó không bị tổn hại một cách đáng thương bởi những kẻ tầm thường ngoại lai, nhưng hơn cả sự ích kỷ đó, chính là sự vị tha và khát vọng được giải thoát.
Sau cùng, tôi nhận ra, cái đẹp có thể độc hại, có thể cầm tù và nô lệ hóa ta đến thế, có thể hủy diệt ta đến một mức ngưỡng không thể định tính nổi, nhưng sự tồn tại và cảm giác được sống chính là món quà nó đem tặng lại cho chúng ta. “Art is the only salvation from the horror of existence.”
1 note · View note