Tumgik
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#13: Đẹp là một nỗi đau
Thông tin
Tên sách: Cantik Itu Luka
Tác giả: Eka Kurniawan
Dịch giả: Dương Kim Thoa, Nguyễn Thái Hà
Năm xuất bản: 2002
Ngôn ngữ viết: Tiếng Indo
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Số trang: 444
Nội dung
Một buổi chiều cuối tuần tháng Ba, Dewi Ayu bước ra khỏi ngôi mộ của bà sau khi đã chết hai mươi mốt năm.
Eka Kurniawan, ngôi sao văn học của Indonesia đương đại, đã mở đầu cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình bằng một câu văn đậm chất huyền ảo và giàu sức ám ảnh như thế. Để rồi xuyên suốt 444 trang sách sau đó, gần một trăm năm lịch sử của xứ vạn đảo mở ra, thấm đẫm máu và nước mắt, tình yêu và thù hận, cùng những ẩn ức và vết thương chẳng thể giãi bày.
Nhân vật chính của “Đẹp là một nỗi đau” là Dewi Ayu, một cô gái mang trong mình hai dòng máu: dòng máu của thực dân Hà Lan và của người bản địa Indonesia. Năm Dewi Ayu mười sáu tuổi, Thế chiến thứ hai đưa phát xít Nhật tới chiếm đóng thành phố ven biển Halimunda, quê hương của cô, và buộc cô trở thành tù nhân chính trị. Số phận nghiệt ngã, sắc đẹp của Dewi Ayu đã đẩy cô vào con đường làm gái điếm tại nhà thổ của má mì Kalong. Ba người con gái mà Dewi Ayu sinh ra sau đó là hệ quả của những cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra tại thành phố Halimunda. Để rồi khi những cô gái ấy lớn lên, số phận của họ cũng lại gắn chặt với chính biến, với những gã đàn ông quyền lực và đầy tính chiếm hữu trong tình yêu. Sắc đẹp trong huyết thống của Dewi Ayu trở thành một nỗi đau truyền đời.
Cảm nghĩ
Cũng giống như tuyệt tác “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Garcia Marquez, “Đẹp là một nỗi đau” sử dụng chất liệu kỳ ảo để nói lên những nỗi đau thấu tâm can. Ấy là huyền thoại về thủy tổ của thành phố Halimunda, công chúa Rengganis xinh đẹp, người đã phải kết hôn với một con chó và sống tha hương suốt phần đời cuối cùng. Là lời nguyền của Ma Gedik, kẻ đã phải chết tức tưởi sau khi mất người yêu vào tay một gã thực dân người Hà Lan, một lời nguyền truyền kiếp cho tới khi dòng dõi của gã thực dân ấy tận diệt sau này. Là Dewi Ayu và những đứa con gái của bà, với sắc đẹp rực rỡ nhưng đi kèm cũng là những bi kịch khôn nguôi giáng xuống cuộc đời họ. Các chi tiết kỳ ảo đan cài vào những chi tiết thực, và chính sự hoang đường của những chi tiết kỳ ảo lại là đòn bẩy làm nổi bật lên tính chất lố bịch, tàn bạo, khốc liệt của sự thực. 
Văn phong trong “Đẹp là một nỗi đau” là sự pha trộn giữa bi thương và châm biếm. Các tình tiết nối tiếp nhau không ngừng nghỉ tạo cảm giác về dòng chảy dồn dập của cốt truyện, cũng chính là những chính biến liên tiếp khó lường trong dòng chảy lịch sử của Indonesia, thứ được tác giả lấy làm xương sống cho cuốn sách. Thật sự khó mà tin được rằng Eka Kurniawan đã cho xuất bản tác phẩm này ở độ tuổi hai mươi bảy, bởi một nội dung đầy tham vọng, một ngòi bút ma mị đầy sắc sảo như vậy là điều mà không phải nhà văn nào cũng làm được.
Có thể một vài người đọc sẽ cảm thấy phần nào đó không thỏa mãn với “Đẹp là một nỗi đau,” cụ thể là với cốt truyện dàn trải ở phần sau của cuốn sách, với những nhân vật có phần lý tưởng hóa, của cái kết mở chưa thật sự thuyết phục. Nhưng xét về tổng thể, có một điều người viết có thể khẳng định chắc chắn: cuốn sách của Eka Kurniawan là một tác phẩm đầy tham vọng, đẹp đẽ, đau đớn, và thực sự khó quên.
Những người tình cảm không nhận ra số trời đã định rằng thế giới này phải là nơi thối nát nhất người ta có thể tưởng tượng ra. Đó là lý do duy nhất Chúa hứa hẹn thiên đường, như một niềm an ủi dành cho đám đông thống khổ.
Bài viết đã được đăng tải trên page Eikyuu Foundation.
1 note · View note
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#12: Đại dương cuối đường làng
Thông tin
Tên sách: The Ocean at the End of the Lane
Tác giả: Neil Gaiman
Dịch giả: Thiên Nga
Năm xuất bản: 2013
Quốc gia: Anh
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Số trang: 241
Tóm tắt
Đại dương cuối đường làng theo chân nhân vật tôi (không có tên cụ thể) - một người đàn ông trung niên từ thành phố trở về vùng quê nơi ông đã sinh ra và lớn lên để dự đám tang của một người họ hàng. Sau khi đám tang kết thúc, ông đi tới cuối làng, nơi có căn nhà đơn sơ của gia đình Hempstock, dựng bên cạnh cái ao vịt. Khi ngồi bên ao và suy tưởng, những ký ức tuổi thơ từ ngày ông còn sống ở làng mà ông tưởng rằng đã lãng quên từ lâu bỗng chốc ùa về, và mạch truyện kể từ đây bắt đầu là về nhân vật tôi kể lại những sự việc kỳ lạ, nửa hư nửa thực đã xảy ra khi ông lên bảy.
Mọi chuyện bắt đầu bằng cái chết của ông thợ mỏ đá mắt mèo, vốn đang thuê trọ ở nhà nhân vật tôi, tự sát do nợ nần cờ bạc. Cái chết ấy đã mở lối cho một sinh vật siêu nhiên tìm được đường xâm nhập vào thế giới mà tôi đang sống, một sinh vật có khả năng dùng tiền bạc để cám dỗ và hãm hại con người. Sau một đêm suýt bỏ mạng do bị đồng tiền chẹn ngang cổ họng khi đang ngủ, tôi phải tìm đến sự giúp đỡ của cô bé hàng xóm tên Lettie Hempstock. Hai người bọn họ cố tìm cách để vá lỗ hổng đã mở đường cho sinh vật siêu nhiên kia, nhưng trong một thoáng bất cẩn, chính tôi lại tạo điều kiện cho sinh vật ấy có toàn quyền xâm nhập vào thế giới, sử dụng cơ thể cậu như một cánh cửa đi lại giữa hai thế giới. Sinh vật đó về sau đã hiện hình dưới hình dạng của một người phụ nữ tên Ursula Monkton, người bảo mẫu mới của gia đình tôi. Bằng những thủ đoạn tinh vi, mụ nhanh chóng lấy được thiện cảm của cha và em gái tôi, và gần như tách biệt cậu khỏi những người thân của mình. Sau một lần suýt chết vì cơn giận dữ vô lối của cha mình, tôi bèn tìm đường chạy thoát khỏi nhà. Một lần nữa cậu gặp được cô bạn gái Lettie, người đã sử dụng những năng lực phép thuật cổ xưa để tiêu diệt được Ursula, nhưng lại chịu những thương tổn về phần mình. Gia đình Lettie quyết định đặt đưa cô bé về đại dương, tức cái ao vịt sau nhà họ, và đợi cho đến khi cô có thể hoàn toàn bình phục.
Kết thúc những ký ức, người nhà Hempstock tiết lộ cho nhân vật tôi rằng thực ra ông đã từng về thăm họ nhiều lần (mà những lần đó ông không có ký ức gì cả). Khi tôi chuẩn bị rời đi, những ký ức lại phai mờ một lần nữa, và ông lại một lần nữa ngờ ngợ rằng chúng không có thật:
có lẽ đó là một dư ảnh hay một bóng ma, cái gì đó lay động tâm trí tôi trong một thoáng, mạnh mẽ đến mức tôi tin là nó có thật, nhưng giờ đã mất, rồi nhạt nhòa vào dĩ vãng như một ký ức bị lãng quên hay một bóng đen chìm vào hoàng hôn.
Cảm nghĩ
Những điều mà mình cảm nhận được từ Đại dương cuối đường làng, có lẽ khó mà diễn tả được thành lời. Mình không tin rằng một cuốn sách bắt buộc phải đưa ra những bài học sâu sắc để có thể chạm đến trái tim người đọc, và mình đã yêu cuốn sách của Neil Gaiman từ khi còn chưa buồn suy nghĩ sâu xa về nó. Nhưng để dễ truyền tải hơn đến bạn đọc, có lẽ mình xin phép được tóm tắt ở đây một vài ẩn dụ và thông điệp mà mình đã rút ra được từ tác phẩm này.
i. Trong phần mở đầu truyện, nhân vật tôi trở về ngôi làng cũ sau hàng chục năm xa cách. Ký ức tuổi thơ đã phai tàn đi cũng như chính ngôi làng đã đổi thay không còn nhận ra nữa. Thế nhưng trong vô thức, ông vẫn lái xe về địa điểm đã ghi ấn tượng sâu đậm trong lòng mình. Trong vô thức, bản năng của ông là tìm về với nơi từng thân quen, dù đó chỉ là cảm giác vì cảnh sắc, con người hiện tại đã khác thời thơ ấu rất nhiều. Và chỉ cần một chi tiết nhỏ được phủi bụi, như danh từ đại dương mà người bạn tuổi thơ của ông dùng để gọi cái ao vịt, là đủ để gợi nhắc ông về toàn bộ câu chuyện trong quá khứ, câu chuyện mà đến lúc đó trong ông chỉ còn là những mảnh vụn ký ức mù mờ, câu chuyện ông vẫn chưa thể tìm lời giải cho một cái kết thỏa đáng.
Đó chính là cách ý thức mà trí nhớ của chúng ta vận hành. Hướng về những điều thân thuộc, hướng về nơi mang lại cho ta cảm giác bình yên, dù nơi đó vốn không phải nơi sẽ mang lại cho ta cảm giác bình yên, và dù sự thật đó là điều ta vẫn luôn cố tránh né. Hơn nữa, ta luôn luôn chỉ cần một chi tiết nhỏ để gợi mở cho một câu chuyện dài. Thế rồi câu chuyện ấy lại cho ta thêm những băn khoăn. Những băn khoăn đã tồn tại trong lòng ta từ rất lâu rồi, nhưng vì một lý do đặc biệt nào đó, hoặc đơn giản chỉ là do thời gian và sự trưởng thành, ta quên bẵng nó đi. Liệu điều đó là biểu thị cho bản chất của loài người, luôn luôn tìm tòi và tự đặt những câu hỏi vượt quá khả năng trả lời của bản thân; hay tượng trưng cho sự bất biến của tâm tưởng con người, dù độ tuổi và cách suy nghĩ đã khác; hay đó chính là cách tác giả nói về những bí ẩn cuộc sống vượt quá giới hạn thời gian, những bí ẩn chúng ta mất cả cuộc đời đi tìm nhưng chẳng bao giờ tìm nổi? Có lẽ là tất cả những điều đó.
ii. Trở về thời điểm “tôi” bảy tuổi, khi câu chuyện chính còn chưa bắt đầu, ta vẫn có thể thấy cậu bé này đã trải qua một tuổi thơ không mấy dễ dàng với khá nhiều ấm ức và bất công. Những ấm ức mà cậu chẳng làm gì để mà phải chịu, những ấm ức hoàn toàn do lỗi lầm của người lớn. Con mèo cưng dễ thương của cậu bị xe taxi cán chết, thế rồi người ta đền bù cho cậu một con mèo khác hung dữ và khó ở, và coi như đã làm ơn làm phước cho cậu. Bố mẹ cậu vì thiếu tiền nên đã không ngần ngại bắt cậu sang ngủ chung giường với đứa em gái, cho dù điều đó có nghĩa là không những cậu phải rời xa căn phòng với cái bồn rửa bé xinh màu vàng mà còn phải nhìn đủ loại người trên đời sử dụng nó, rồi còn phải từ bỏ thói quen mở hé cửa phòng đêm đêm - cái thói quen mà nếu không có, cậu sẽ mất ngủ miết. Cuốn truyện tranh yêu thích của cậu vào một buổi sáng nọ lại còn bị đè nát bởi cái xác người thợ đá mắt mèo đang thuê nhà cậu nữa.
Chúng ta luôn cho rằng trẻ con thường thổi phồng tất cả mọi thứ lên và nghiêm trọng hóa những gì nhỏ nhặt. Nhưng ta không hề nghĩ rằng đó là tất cả thế giới của chúng. Cái thế giới có khi chỉ gồm một con mèo, một cái bồn rửa, một cuốn truyện, hay một con gấu bông, một món đồ chơi thô sơ xấu xí… nhưng vẫn là thế giới chúng đang ngày ngày cố gắng xây dựng và bảo vệ. Đối với chúng, chính những điều chúng ta tưởng là quan trọng mới thực sự là vớ vẩn. Một chút tiền túng thiếu hay một cái xác khô tìm thấy trong ô tô nhà mình chẳng khiến chúng cảm thấy có gì quá khác biệt. Nhưng vấn đề là, chúng ta cứ mãi vô tâm xâm phạm thế giới của con trẻ mà chẳng đếm xỉa đến cảm xúc của chúng bao giờ. Chúng ta lên án nhau vì làm tổn thương nhau, nhưng vì sao việc làm tổn thương con trẻ lại được coi là “dạy dỗ” chúng, là khiến chúng “trưởng thành hơn”? 
iii. Cuộc gặp gỡ của “tôi” với cô bé Lettie Hempstock là hoàn toàn tình cờ. Không một dấu hiệu báo trước, cậu bé chỉ vô tình chạy trốn đến nhà cô trong một buổi sáng đầy biến cố, và rồi Lettie cùng gia đình cô bé đã bảo vệ cậu bằng cả tính mạng của mình. Những khi cậu kêu cứu, những khi cậu tuyệt vọng, những khi cậu gặp hiểm nguy đến chết người, thậm chí cả khi cậu chẳng thể tin tưởng chính gia đình mình, họ luôn ở đó, dang tay chào đón cậu, giúp đỡ và cưu mang cậu mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Gia đình Hempstock thực sự là mảnh ghép đẹp nhất trong bức tranh tuổi thơ đầy xáo động của cậu bé.
Và bằng mảnh ghép đẹp đẽ ấy, tác giả đã ngợi ca tình người. Đó là thứ tình thương có thể bắt đầu từ những người xa lạ, những người ta không quen, những người đáng lẽ không cần phải thương yêu ta. Nhưng đôi khi nó lớn lao hơn mọi thứ tình cảm khác, vượt qua mọi giới hạn và mọi đức tin ta từng biết đến, hơn cả tình thương gia đình đầy mệt mỏi hay tình bạn đầy mong manh. Hơn nữa, việc xây dựng gia đình Hempstock là những con người đã sinh ra từ trước khi vũ trụ thành hình, cho ta thêm một khía cạnh khác của thứ tình yêu kì lạ ấy: nó là nguyên thủy, là một điều tất yếu của sự sống, thậm chí, nó cao cả hơn bất cứ sự sống nào trên thế gian. 
iv. Nhân vật phản diện của truyện, ta có thể không cần suy nghĩ mà chỉ thẳng ra là Ursula Monkton, sinh vật xấu xa, nham hiểm và quỷ quyệt, người đã gây nên cho “tôi” nỗi đau thương và ám ảnh không cách nào nguôi được. Nhưng xuyên suốt cả câu chuyện, ngoài “tôi” và Lettie ra, Ursula nào có bao giờ trực tiếp hãm hại ai? Trong mắt mọi người, Ursula là một người hiền hậu, dễ mến, mụ có khả năng thỏa mãn tất cả những cái người ta cần. Là nhu cầu tiền bạc, là ham muốn thể xác, là khát khao tìm kiếm danh vọng, cái gì cũng vậy thôi. “Mụ ta biết được cái họ nghĩ là họ cần, rồi tìm cách cho họ thứ đó. Mụ ta làm vậy để biến thế gian này thành chỗ mụ ta được sống sung sướng hơn. Một nơi mụ ta được thoải mái hơn.” Bằng cách dung dưỡng cho những ước muốn của con người, mụ dần dà khiến người ta phải quy phục dưới chân mụ và làm theo bất cứ điều gì mụ yêu cầu.
Ursula Monkton là biểu trưng của cái ác. Cái ác thuần túy. Cái ác muôn hình vạn trạng, cũng như cách mụ có thể biến hóa thành bất cứ thứ gì, từ cái lều vải rách đến con sâu ký sinh trong chân và một mụ đàn bà xinh đẹp đầy nham hiểm. Cái ác không trực tiếp tấn công con người, mà chỉ là chất xúc tác cho phần xấu xa trong con người trỗi dậy. Đó là cách nó bén rễ vào tâm tưởng mỗi chúng ta, lan rộng và ăn sâu vào ta như tế bào ung thư, để rồi tới một ngày ta không thể kìm hãm được nó nữa, nó sẽ phát tác và hủy hoại chính người đã nuôi dưỡng nó. Như người thợ đá mắt mèo đã phải tự sát vì nợ nần cờ bạc, như người cha của “tôi” đã ngoại tình với Ursula rồi ra tay hãm hại chính con mình, một khi cái ác đã len lỏi vào tâm hồn ta, ta chẳng thể nào ngăn cản được nó nữa. 
v. Có một đoạn trong sách mà khi đọc tôi thực sự kinh hoàng, đó là cảnh người cha của nhân vật “tôi” chỉ vì cậu bé đã xúc phạm Ursula mà đã chính tay dìm cậu xuống bồn nước đến suýt chết đuối. Cảnh ấy không được miêu tả tỉ mỉ, nhưng những nỗi ám ảnh sau đó được cậu kể lại rất rõ ràng. “Bố mẹ tôi là một khối vẹn toàn, bất khả xâm phạm. Tương lai bỗng đâu trở nên bất định: chuyện gì cũng có thể xảy ra.” Niềm tin đầu đời của cậu đã vụn vỡ, kèm theo đó là những đau đớn chẳng hể con trẻ. Những đau đớn cậu mang theo mãi mãi theo thời gian, cũng như cái lỗ sâu - cánh cổng dẫn đến thế giới khác mà Ursula đã tạo nên trong tim cậu - sẽ mãi mãi chẳng bao giờ biến mất.
Trưởng thành là cả một quá trình gian khổ nhọc nhằn. Trưởng thành là khi ta chứng kiến cái vỏ bọc duy nhất của ta ngày nhỏ cứ mất dần, mất dần từng mảng, cho tới lúc vây quanh ta là một thế giới hoàn toàn khác, rộng lớn hơn, tàn nhẫn hơn, nhiều rủi ro hơn. Ở cái thế giới ấy, không có chỗ cho niềm tin tuyệt đối ấy, người duy nhất ta nương tựa được vào là bản thân ta. Những nỗi đau ta phải chịu đựng, ngoài ta ra nào ai biết tới, nào ai thấu hiểu được đến tận cùng? Cuộc sống thực tế là khắc nghiệt. 
vi. Ursula là gì? Là sinh vật cổ đại xấu xa, là mụ phù thủy hiểm độc, là hiện thân của cái ác. Thế nhưng trong mắt mọi người, mụ ta xinh đẹp, dễ mến và cũng đầy mê hoặc. Trong mắt mọi người, trừ cậu bé “tôi”. (Và gia đình Lettie nữa, nhưng họ không được tính là những người bình thường). Chỉ mình “tôi” nhìn ra bản chất của mụ. Chỉ mình “tôi” kiên quyết đấu tranh với bản thân đến cùng để không bị mụ cám dỗ. 
Những ngày còn bé, đã có nhiều lần tôi cảm thấy mình đúng, và cuối cùng sự thực là tôi đã đúng, nhưng những người lớn xung quanh lại không chịu lắng nghe ý kiến của tôi chỉ vì tôi là một đứa trẻ. Có lẽ tình huống này tương tự (dù không nghiêm trọng bằng) cái cách mà nhân vật chính đã phải chống lại cả những người thân thương nhất để tìm kiếm sự thật, và đó có lẽ là điều mà mỗi chúng ta đều phải chấp nhận. Hình ảnh Ursula cũng khiến tôi sợ hãi rằng liệu có phải khi ta càng lớn thì lại càng dễ bị phỉnh phờ bởi những thứ bề ngoài mà mất đi sự tỉnh táo trong sáng ngày ta còn nhỏ hay không. Điều này có lẽ tôi phải lớn hơn chút nữa mới có thể biết được.
vii. Ursula Monkton là một sinh vật cổ đại, và ở mụ chỉ toàn những điều xấu xa, mụ đi reo rắc cái ác, sự tham lam, phóng túng, ích kỷ, tàn nhẫn. Nhưng vẫn còn những nhân vật còn cổ xưa hơn cả Ursula - chính là gia đình ba thế hệ nhà Hempstock. Ở đoạn kết của câu chuyện, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng hiểu biết của Ursula vốn chẳng là gì so với gia đình Hempstock cả, và cuối cùng thì rõ ràng là mụ đã bị họ đánh bại. 
Nếu như Ursula là hiện thân của cái ác, thì gia đình Hempstock là hiện thân của cái thiện. Cái thiện cổ xưa hơn cả cái ác. Cái thiện canh gác cánh cửa của thế giới và ngăn không cho cái ác xâm nhập vào, cũng như đóng vai trò tiêu diệt cái ác nếu chúng có xuất hiện. Cái thiện chiến thắng cái ác, cho dù phải trả giá đắt. Và cái thiện sẽ được hàn gắn lại, dẫu cho có bị tổn thương nặng nề. Có lẽ ở đây Neil Gaiman đã đặt vào một ẩn dụ - hay là một niềm tin - về bản chất của thế giới, rằng những điều thiện lương là những điều nguyên thủy, và cái ác sớm muộn gì cũng sẽ bị diệt trừ chăng?
Mình yêu Đại dương cuối đường làng như yêu một phần không thể thiếu trong cuộc đời mình - dù, như mình có trình bày ở trên, có lẽ mình đã quá may mắn được đọc nó năm mười bảy tuổi, bởi vì nếu mình đọc cuốn sách này bây giờ, có lẽ sự an tâm mà mình tìm thấy ở thời hiện tại sẽ không còn khiến cuốn sách có sức nặng như xưa nữa. Nó có lẽ cũng như tuổi thơ mình, như những gì mà mình học được trong những năm tháng còn là học sinh phổ thông - là những gì mà mình không thể trải qua hai lần, nhưng lại góp phần định hình con người mình ở hiện tại, và có lẽ sẽ là cả trong tương lai nữa.
Bài viết đã tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021.
Ảnh: Revelogue
0 notes
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#11: Còn chút gì để nhớ
Thông tin
Tên sách: Còn chút gì để nhớ
Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Năm xuất bản: 1988
Quốc gia: Việt Nam
Ngôn ngữ viết: Tiếng Việt
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Số trang: 209
Tóm tắt
Truyện kể về Chương, một chàng trai tỉnh lẻ miền Trung vào trong Sài Gòn thi đại học. Ở đó, cậu đã sống những năm tháng sinh viên tươi đẹp bên gia đình dì Ba, bên chị em Trâm - Quỳnh hàng xóm, bên Kim Dung và Bảo là hai người bạn thân thiết ở trường.
Cảm nghĩ
Câu chuyện được viết nên bằng những mẩu kí ức vụn vặt, những kỉ niệm nối tiếp, những niềm vui, nỗi buồn, suy tư và cảm xúc đan vào nhau, tạo cảm giác như chúng sẽ kéo dài đến vô tận. Nhân vật của truyện khá nhiều, thậm chí có thể thừa thãi trong một cuốn sách chỉ to hơn lòng bàn tay một tẹo và dày chưa đến một phân, nhưng tất cả đều có những cá tính riêng không hề pha tạp, và đều được miêu tả gần gũi đến mức bản thân ta cũng cảm thấy họ thật thân quen. Đặc biệt là Chương, ai cũng có thể tìm thấy một chút gì đó của riêng mình trong chàng trai mới lớn ấy.
Chẳng hiểu sao mình cảm thấy mỗi đứa trẻ trong truyện đều có một chút gì đó thật bơ vơ. Bơ vơ trong sự khốn khó của gia đình. Bơ vơ khi phải tự lập mà lớn lên. Bơ vơ giữa cái nhìn kì thị đầy định kiến của xã hội. Bơ vơ trong thời cuộc ngổn ngang. Bơ vơ bởi chẳng phải điều gì cũng có thể chia sẻ. Bơ vơ bởi lạc lõng giữa những điều tưởng chừng thân thuộc. Như Chương, như Trâm, như Kim Dung hay Lan Anh, thậm chí cả Quỳnh.
Đọc Còn chút gì để nhớ, mình ngẫm ra có ba cái "chút" để nhân vật Chương - cũng là hiện thân của chính Nguyễn Nhật Ánh - tiếc nhớ đến dường ấy.
Cái "chút" thứ nhất, là tuổi trẻ, là những mơ mộng đầu đời, là những tháng ngày vô tư không thể quay lại, là mối tình đầu ngọt ngào đầy ám ảnh. Ở đầu truyện, ta thấy một cậu bé ngóng từng ngày tới tuổi mười tám, mong từng ngày để được lớn lên. Ở cuối truyện, ta lại bắt gặp hình ảnh một người đàn ông với những suy tư và sự từng trải. Phũ phàng làm sao cái sự đổi thay ấy!
Cái "chút" thứ hai, là một Sài Gòn trước 1975 đầy chất thơ. Một Sài Gòn có những lúc tấp nập xô bồ mà cũng có những phút bình yên đến lặng lẽ. Như cái xóm trọ nhỏ chỗ nhà dì Ba, nơi Chương tá túc suốt bốn năm đại học. Như ngôi trường của Chương, Kim Dung và Bảo, trông có vẻ cổ kính nhưng không kém phần thơ mộng, với mái ngói xám phủ đầy rêu lưu cữu nằm nấp dưới những tàng cổ thụ xanh um với những cành nhánh rậm rạp như muốn lợp kín cả bầu trời (ngôi trường tác giả nói tới chính là trường Sư phạm Saigon hồi đó, nếu mình không nhầm). Mình chưa vào trong Nam bao giờ, đến diện mạo Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ mình còn chẳng biết, nói gì đến diện mạo Sài Gòn xưa để mà so sánh. Nhưng qua cách miêu tả đầy hoài niệm của tác giả, mình đã hiểu những hình ảnh đó đã mãi mãi đi vào quá khứ. Chỉ còn vương vấn mãi trong lòng những con người của ngày xưa.
Cái "chút" thứ ba (cái chút này và cái chút thứ hai không có trong truyện, chỉ là tự mình cảm nhận) là chính những con người Sài Gòn năm ấy. Đọc đến đoạn Kim Dung bị các cán bộ liệt vào "phần tử tiêu cực" vì cách ăn mặc và đầu tóc không giống ai, mình thấy hơi buồn, vì lối suy nghĩ của con người ta đã phần nào bị áp đặt. Tôi không biết diễn tả ra sao, cũng không có ý vơ đũa cả nắm... nhưng hình như sự cởi mở trong tâm hồn của con người ta dường như bớt đi một tẹo. Và rồi cả hành động ngăn cản của gia đình Quỳnh đối với tình yêu của Chương, bởi ba cháu đi học tập cải tạo, còn gia đình người ta là gia đình cách mạng, cháu hiểu không? Mình thì không hiểu. Điều đó đâu có thay đổi được một con người?
Cốt truyện của Còn chút gì để nhớ không quá đặc sắc. Viết về học trò, về sinh viên, về tình bạn, tình yêu đầu đời, Nguyễn Nhật Ánh có rất nhiều tác phẩm hay hơn thế. Cái hay của Còn chút gì để nhớ đến từ bối cảnh, cái khoảng thời gian mà người ta ai nấy đều cảm thấy có những điều còn dang dở, còn nuối tiếc. Đến từ cách kể chậm rãi, từng câu từng chữ rõ ràng, rành mạch như day vào lòng người bao cảm xúc. Cũng như Mắt biếc, mình cảm giác tác giả viết nó mà không quá bận tâm vào diễn biến truyện, viết chỉ để trải lòng, để tâm tình cho độc giả cùng nghe. Nhưng điều đó chẳng hề quan trọng, bởi chỉ cần với những tâm tình đó thôi, Còn chút gì để nhớ đã thực sự là một tác phẩm đáng đọc rồi.
Ảnh: Su Su 1710
1 note · View note
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#10: Ngoài bờ đông là mặt trời
Thông tin
Tên sách: Ngoài bờ đông là mặt trời
Tác giả: Trường An
Năm xuất bản: 2017
Quốc gia: Việt Nam
Ngôn ngữ viết: Tiếng Việt
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Số trang: 412
Tóm tắt
Chương đầu cuốn sách kể về một bức tranh thêu. Bức tranh thêu trên tấm khăn tay trang trí hình mặt trời, với những con chữ vuông vuông đen nhánh, nằm dưới tầng hầm của một căn nhà bỏ hoang, ở một đất nước Tây Dương xa lạ. Không ai tìm thấy nó, bức tranh thêu ấy, tác giả viết như vậy. Mà giả sử có tìm thấy, họ cũng chẳng thể nào biết được trên bức tranh ấy viết cái gì, lai lịch của nó ra sao, vì sao nó lại lạc lõng ở nơi này. Thậm chí họ còn không rõ bức tranh ấy đến từ đâu. Chỉ là, qua những cảm nhận, họ như thấy được trong đó một vùng đất có nắng, và hơi đất nồng, và có mưa, và những con sông, và một đại dương bao la ôm ấp phía ngoài.
Thế rồi bức tranh ấy đưa ta đến quê hương của nó, mảnh đất nằm bên bờ đại dương nọ. Đến một khung cửa sổ đầy nắng, nhìn ra mảng tường phủ đầy một loài hoa Tím không tên. Đến một kinh thành mới xây, lóng lánh những vàng bạc châu báu. Nơi một ngày nọ, cô cung nữ làm công việc thêu thùa đã bắt gặp cậu bé lai con một vị quan đang rụt rè nhìn mình, để rồi thứ tình bạn đặc biệt mà bền vững đã nảy sinh giữa hai con người tưởng như chẳng hề có điểm chung ấy.
Và câu chuyện cứ thế mà trải dần ra qua cái nhìn của họ. Là người trong cung, họ biết được những bí mật. Lắng nghe những trải lòng, để ý những tâm tư, chứng kiến cả những giây phút giận dữ của những con người làm chủ chốn ấy. Những con người mà, tưởng như nắm trong tay vận mệnh của cả thiên hạ đấy, nhưng chẳng sao quyết định nổi số phận của mình. Hoàng đế, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử - những vị thần, những kẻ phàm trần đáng thương.
Năm tháng cứ đi qua trên mảnh đất đầy mưa nắng. Có những phút biến động, những khoảnh khắc tưởng chừng mọi trật tự sẽ bị phá vỡ. Nhưng rồi tất cả đã là dĩ vãng. Như dòng sông mang hương thơm của nước mắt chảy bên kinh thành, thu mọi con sóng vào trong lòng của nó, và cứ lặng lờ trôi.
Trong ba lớp tường thành, quanh quanh lối rẽ, những bí mật nào đã chìm sâu.
Cảm nhận
Ngoài bờ Đông là mặt trời là câu chuyện kể về những con người sinh ra trong buổi bình minh của một triều đại. Từng bước trưởng thành của họ gắn với những giây phút triều đại đó đi lên tới đỉnh cao rực rỡ nhất, nhưng cũng là những năm tháng rối ren nhất. Để rồi, đến những bi kịch, những đổi thay, những toan tính, thù oán và những cái chết tưởng như đã khiến họ chai sạn, họ lại phải đau đớn thêm một lần, khi chứng kiến triều đại ấy suy tàn.
Đó là đứa con lai của không gian - cậu bé có cha là thủy thủ Tây Dương và mẹ là người phương Đông. Cậu bé có cả khát vọng phiêu lưu trên biển khơi lẫn sự gắn bó muôn thuở với đất. Cậu bé có thể biết đến nỗi buồn của những con người nơi quê mẹ, nhưng chưa bao giờ có thể hiểu thấu nó. Cậu bé, tưởng như là người trong cuộc, mà cuối cùng cũng chỉ là kẻ đứng ngoài, quan sát, đánh giá, và cảm thương.
Đó là những đứa con lai của thời gian - hai công chúa và hai hoàng tử, mang trong mình dòng máu của hai triều đại. Hai kẻ sôi nổi kiêu ngạo, hai kẻ trầm ngâm lặng lẽ. Hai người ra đi khi còn chưa kịp biết đến những ân hận và day dứt, hai người ở lại bên đời, bên dòng sông, giấu mình khỏi mọi xung đột. Và lặng lẽ khóc đêm đêm.
Đó là cô cung nữ làm công việc thêu thùa trong cung. Không mang thân phận đặc biệt. Không được người đời biết tới. Chẳng được sử sách lưu danh. Nhưng lại là người biết tất cả. Và mang tất cả vào lòng đất khi nhắm mắt xuôi tay. Cùng những kí ức đã vĩnh viễn mai một, cùng với lịch sử đã vĩnh viễn chẳng thể quay lại lần nữa.
Đó là Tứ hoàng tử, Hoàng đế thứ hai. Con người của những mộng tưởng và khát vọng. Người tin rằng chỉ khi chúng dân thần phục ngài, coi ngài là thánh thần, là niềm tôn kính và nỗi sợ duy nhất, ngài mới có thể đứng lên thay đổi đất nước theo hướng tốt đẹp. Người đã dũng cảm và liều lĩnh đánh ván cờ với càn khôn. Để rồi cay đắng nhận ra rằng dẫu cuộc đời con người có dài đến hai mươi năm, năm mươi năm, một trăm năm, cũng chỉ như hạt cát so với dòng chảy bất tận của lịch sử.
Họ đã ở bên nhau trong những năm tháng ấy. Ở bên nhau và nói với nhau rất nhiều. Về đất nước của họ, về gia tộc của họ, về những giấc mơ tan vỡ của họ, xuyên suốt các trang truyện dường như đều là những lời họ nói với nhau. Nhưng chưa bao giờ đủ nhiều. Mỗi người đều có một mảnh hồn u uẩn riêng, một nỗi niềm riêng chẳng thể giãi bày,
Họ đều có tên, những cái tên rất đẹp. Nhưng chẳng bao giờ chúng được nhắc tới. Họ chỉ là cô cung nữ, là cậu con lai, là Thập công chúa, Thập nhất hoàng tử, là Hoàng đế, Hoàng đế thứ hai, thứ ba, thứ tư, người cung phi, các vị Tổng trấn, vân vân và vân vân. Chẳng làm sao cả, chúng ta không cần một cái tên để làm nên một con người. Quan trọng là họ đã sinh ra rồi lớn lên, đã hy vọng rồi thất vọng, đã yêu thương rồi thù hận, đã mừng vui rồi đau đớn… cùng với sự đổi thay xứ sở phương Đông kia. Nên họ chỉ cần được gọi với danh hiệu của mình thôi. Chẳng phải khi đã sống trong một đất nước, con người ta cần nhất là phải hiểu rõ vai trò của mình đối với đất nước đó hay sao?
Và cuốn sách còn là câu chuyện về chính đất nước quê hương họ, đất nước mà người cha Tây Dương của cậu bé lai đã nhắc đến trong cuốn hồi ký của mình bằng một từ thôi: buồn. Lẽ ra ông đã có thể nói rất nhiều, qua những tháng ngày phục vụ trong quân đội của đất nước ấy, nhất là qua những cuộc trò chuyện với Hoàng đế, ông đã có thể tích lũy cho mình đủ vốn từ cần thiết để diễn tả nhiều hơn về xứ sở ông gắn bó hàng chục năm, nhưng ông chỉ dùng cái từ giản đơn nhất, mộc mạc nhất và cũng mênh mang những suy tư nhất.
Có lẽ điều đó không quan trọng lắm. Ông chỉ là một người ngoại quốc. Ông không sinh ra ở đây, không gắn cuộc đời mình với nơi này. Khi đến đây, ông đã ôm vọng tưởng về một xứ sở trù phú đầy vàng bạc và thấm đẫm hơi thở huyền bí ngàn năm của phương Đông, nên chẳng trách ông được khi ông vỡ mộng. Nhưng còn vị Hoàng đế của nó, người hiểu rõ nó hơn ai hết, các bạn biết ngài nói gì không?
Ngài gọi giang sơn mà ngài đang trị vì là một mảnh đất khốn khổ.
Khốn khổ, nghe thật… khốn khổ.
Đất nước của ngài, nơi người ta phung phí của cải và niềm tin vào những lễ hội, kiêng kị, những trò tiêu khiển vô ích vô bổ.
Đất nước của ngài, nơi người ta chỉ biết cầu nguyện trước mọi khó khăn, bất hạnh, chấp nhận và khuất phục nỗi sợ hãi trước vạn sự trên đời.
Đất nước ngài, nơi người ta chỉ bám lấy những giáo điều như một phương thức để tồn tại được trên đời.
Đất nước của ngài, nơi có bao kẻ thừa cả lòng nhân đạo lẫn sự ngu ngốc, chỉ luôn luôn kêu gào đòi thay đổi nhưng chẳng biết làm gì trước những thay đổi đó.
Đất nước của ngài, nơi những kẻ cùng chung một tổ tiên, một nguồn cội lại chỉ biết hại lẫn nhau, chỉ biết hại lẫn nhau mà thôi.
Đất nước ấy, hình như muôn đời vẫn thế?
Ngoài bờ đông là mặt trời là một câu chuyện buồn. Buồn như mảnh đất đầy nắng gió nọ - cái nghĩa địa khổng lồ chôn cất biết bao số phận năm xưa. Buồn như mối tình đầu câm lặng - mối tình không đầu không đuôi và cũng không thể sâu nặng, chỉ phủ lên trái tim của con người những sầu u mơ hồ mà mãi chẳng thể nào tan đi. Buồn như đất nước chưa phút nào thôi rối ren, thôi xao động - những cơn sóng ngầm chỉ chực chờ cuộn trào từ mặt sông phẳng lặng bình yên. Dường như chỉ bằng một cuốn sách, Trường An đã buồn thay cho lịch sử ngàn năm của cả một dải giang sơn này.
Truyện nên đọc chậm. Mà cũng chẳng nhanh được. Bởi cứ phải chìm vào tâm trạng của hết nhân vật này đến nhân vật khác, những dòng suy tư miên man không dứt. Có những đoạn văn dài đến vài trang giấy. Nhưng rất đáng đọc.
Nhất là khi bạn, cũng như vô vàn những con người kia, cần một niềm tin để tồn tại.
Ảnh: Ngoài bờ đông là mặt trời
0 notes
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#9: Người thầy bí ẩn
Thông tin
Tên sách: Thiên cầu ma thuật, tập 1 - Người thầy bí ẩn
Tác giả: Nguyễn Dương Quỳnh
Năm xuất bản: 2020
Quốc gia: Việt Nam
Ngôn ngữ viết: Tiếng Việt
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Số trang: 340
Nội dung
Thiên cầu ma thuật là một bộ truyện gồm ba tập, xoay quanh Chính, một cậu bé mồ côi mẹ có cha là pháp sư và bản thân cậu cũng có khả năng điều khiển ma thuật. Trong tập đầu của bộ truyện, Người thầy bí ẩn, cha Chính đã sang Nhật Bản tu nghiệp từ ngày cậu mới sáu tuổi, để lại Chính cùng người chị gái tên Kim ở một ngôi làng hẻo lánh. Năm Chính lên lớp bốn, một pháp sư tên Hàn Thanh từ Nhật tới tìm cậu, tự xưng là đồng nghiệp được cha Chính ủy thác đến để hướng dẫn cho cậu nối nghiệp cha mình. Dưới sự chỉ dạy của Hàn Thanh, Chính dần dần học được cách sử dụng ma thuật, đồng thời bước chân vào thế giới của các pháp sư, nơi cậu quen được hai người bạn cùng tuổi là Tú và Quỳnh Anh. Từ đây, một thế giới mới, kỳ thú nhưng cũng đầy rẫy hiểm nguy mở ra trước mắt Chính...
Cảm nghĩ
Với một cuốn sách (rộng ra hơn là một bộ truyện) được đơn vị phát hành quảng bá là “fantasy Việt,” Người thầy bí ẩn có đôi chút khiến mình thất vọng. Chất liệu xây dựng thế giới pha tạp đã đành - bản chất của “ma thuật” không được tác giả làm rõ, nhưng mình thấy việc nghiên cứu ma thuật của các pháp sư khá tương đồng với nghiên cứu khoa học phương Tây; những chi tiết, vật dụng kỳ ảo như con rối, phong ấn, hạc giấy, thư viện Akashic... đều là vay mượn từ văn hóa các nước khác; ngay đến nhân vật cũng hầu hết là người lai: Chính gốc Hoa, Hàn Thanh lai Việt - Nhật, Tú có nửa dòng máu Đông Âu. Nhưng đến bối cảnh cũng không khiến mình cảm thấy tính chất thuần Việt cho lắm. Truyện có lồng ghép những chi tiết gần gũi với tuổi thơ của thế hệ đầu 9x, như sự kiện Y2K, việc Chính phải sang nhà anh con bí thư huyện để chơi máy tính, hay cảnh thầy trò Chính lụi hụi đạp xe ra khỏi làng để thuê băng đĩa về xem; tuy nhiên, cái cách mà tác giả bó hẹp không gian truyện chỉ trong một ngôi làng gần như tách biệt với thế giới bên ngoài khiến cho dấu ấn thời cuộc trở nên mờ nhạt. Đó là chưa kể đến cách viết thoại dài dòng, quá trau chuốt dẫn đến sự thiếu tính tự nhiên như trong văn nói, tình tiết truyện cùng hình mẫu nhân vật bị ảnh hưởng nhiều bởi các tác phẩm kỳ ảo nước ngoài, và một vài nguyên nhân nữa mà mình xin phép không lạm bàn vì cũng không phải người nghiên cứu chuyên sâu về văn học Việt Nam.
(Tất nhiên, cũng cần phải thanh minh thêm cho tác giả ở đây: mình có theo dõi Nguyễn Dương Quỳnh trên mạng và có lẽ đã đọc gần hết những bài viết bên lề của chị về bộ Thiên cầu ma thuật, thì cảm nhận chung là đây là một bộ sách chị viết cho những hoài niệm tuổi thơ của cá nhân chị. Quỳnh không đầu tư nghiên cứu quá sâu về văn hóa Việt để mà xây dựng cho thế giới của các pháp sư trong đó, chỉ là đặt nhân vật Chính vào cùng cái bối cảnh mà chị đã lớn lên, để mà hy vọng bộ truyện có thể trở nên gần gũi với những con người cùng thế hệ như chị. Cho nên là, bên Nhà xuất bản Phụ nữ quảng bá truyện như vậy lại thành ra hơi nâng tầm quan điểm quá. Thay vì nhấn mạnh vào cái chất Việt Nam thì bên marketing có thể quảng bá là truyện khơi gợi ký ức tuổi thơ chẳng hạn - như truyện Nguyễn Nhật Ánh vậy - thì đỡ lố, mình nghĩ thế.) 
Một khi đã từ bỏ những kỳ vọng về một bộ truyện “fantasy Việt,” Thiên cầu ma thuật với mình khá ổn, bình bình không đột phá nhưng đủ để đọc giải trí và để lại một chút dư vị hoài niệm, bâng khuâng. Gấp lại ba trăm bốn mươi trang truyện, mình đã đem lòng yêu mến và thương cảm những nhân vật mà tác giả tạo ra trong cuốn sách này, từ cậu bé Chính nghịch ngợm và sống rất tình cảm, Tú lặng lẽ nhưng rất đáo để, Quỳnh Anh nóng nảy nhưng chân thành, tới Hàn Thanh điềm tĩnh và đầy tình yêu thương dành cho ba đứa học trò, Kim luôn luôn xởi lời và đầy trách nhiệm... Tâm lý các nhân vật đều được xây dựng theo hướng đa chiều, (hầu hết) là kiểu người tốt - nhưng - có - nỗi - khổ - riêng, dù với mình hơi đơn giản và hơi nông thì đó cũng là kiểu nhân vật mà độc giả ngày nay hẳn sẽ có thể sâu sắc đồng cảm. 
Thông điệp của Người thầy bí ẩn có lẽ là điểm mà mình yêu thích nhất ở cuốn sách này: những đứa trẻ không nên và chưa bao gi��� nên là cái bóng của cha mẹ chúng - chúng có sở thích, tham vọng và cuộc đời riêng. Một thông điệp tương đối hiện đại và nhân văn, và phải chăng cũng là thông điệp mà tác giả vẫn luôn mong mỏi ở các tác phẩm dành cho thiếu nhi mà chị đọc được khi còn nhỏ? Trường đoạn thể hiện rõ nhất thông điệp này cũng được xây dựng tương đối tốt ở phần cuối truyện, tiếc là nửa đầu cuốn sách tác giả lại hơi quá lan man kể những chi tiết bên lề. Nhưng nhìn chung thì thông điệp nêu trên đã khiến mình nhìn nhận Người thầy bí ẩn và rộng ra hơn là bộ Thiên cầu ma thuật một cách tích cực hơn rất nhiều, sau khi đã bị nửa đầu sách (với cái chất fantasy Việt nửa vời) làm cho thất vọng.
Tóm lại, Người thầy bí ẩn gặp một vài vấn đề về cách thể hiện, nhưng xét trên bình diện một cuốn sách dành cho thiếu nhi (và những người đã từng là thiếu nhi) thì cuốn này hoàn toàn ổn. Mọi người có thể tìm đọc sách để ủng hộ một tác giả viết fantasy người Việt, hoặc để tìm lại một chút hoài niệm tuổi thơ xưa.
Ảnh: Nguyễn Dương Quỳnh
0 notes
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#8: Thăm thẳm mùa hè
Thông tin
Tên sách: Thăm thẳm mùa hè
Tác giả: Nguyễn Dương Quỳnh
Năm xuất bản: 2018
Quốc gia: Việt Nam
Ngôn ngữ viết: Tiếng Việt
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Số trang: 336
Nội dung
Doanh, một cô gái hai mươi tuổi, xinh đẹp, thông minh, tiểu thư của một gia đình quyền thế với một tương lai đang rộng mở trước mắt, bất ngờ tự sát mà không để lại bất cứ một lời giải thích nào. Cái chết của cô khiến ba con người có liên hệ mật thiết với cô cùng đi tìm câu trả lời theo cách của riêng họ: Nam Phong, người yêu của Doanh, một thầy giáo trẻ dạy toán với thái độ gần như thờ ơ trước mọi biến động cuộc đời; Nguyên, người bạn thân ngày nhỏ của Doanh; và Thụy, một người đã từng vì gặp được Doanh mà thay đổi cả cuộc đời. Từ những nỗ lực của ba con người ấy, những manh mối bắt đầu hiện ra, những mảnh đời nghiệt ngã dần được hé lộ, để rồi khi thủ phạm thực sự được tiết lộ, ta chỉ có thể buông một tiếng thở dài.
Cảm nghĩ
Mình là một người gần như không bao giờ đọc dòng trinh thám, trừ việc thỉnh thoảng nhặt lên một cuốn của Higashino Keigo để giết thời gian, vì xung quanh mình nhiều người thích tác giả này (lạy chúa mình còn chưa đọc Agatha Christie bao giờ). Cho nên mình không biết nhận xét về cốt truyện của Thăm thẳm mùa hè ngoài việc có vẻ ổn, có vẻ logic, các tình tiết có vẻ hợp lý, cái kết có vẻ bất ngờ... mọi thứ đều dừng lại ở từ "có vẻ" như vậy. Với cả, thiên hướng đọc truyện của mình là khá bị động, nên những đoạn tác giả rải manh mối bằng cách mượn lời nhân vật bàn về việc phá án trong các tác phẩm trinh thám, về bí ẩn căn phòng khóa trong truyện của John Dickson Carr hay gì đó thú thật không khiến mình suy nghĩ nhiều.
Vấn đề mà Nguyễn Dương Quỳnh đặt ra ở phần đầu truyện Thăm thẳm mùa hè đối với mình khá hấp dẫn và cũng khá gần gũi với thực tế: ảnh hưởng của quá trình quy hoạch đô thị đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Là một người mà trong quá trình lớn lên đã từng chứng kiến chính quê nhà của mình dần biến thành đô thị, chứng kiến những làn sóng dân cư mới thay nhau đến và đi, chứng kiến cả nhiều gia đình khuynh gia bại sản chỉ vì có thêm chút tiền đền bù đất, mình tương đối ấn tượng và cảm thông với nhân vật Thụy - nạn nhân trực tiếp của quá trình này trong truyện. Tiếc là càng về sau tác giả lại càng tập trung vào các nhân vật ở phía "thượng tầng", không khai thác đời sống của những con người khác giống như Thụy. Nhưng thôi, cái này là lựa chọn của tác giả, không nhất thiết là điểm yếu gì của truyện nên mình không có ý kiến.
Nhưng Thăm thẳm mùa hè vẫn có những điều khiến mình chưa thực sự hài lòng cho lắm.
Thứ nhất là về giọng văn. Tác giả chủ ý kể lại truyện bằng ngôi thứ ba, thông qua điểm nhìn của ba nhân vật khác nhau - Nam Phong, Nguyên và Thụy, mỗi người một hoàn cảnh, một cá tính, một thiên hướng. Nhưng từ ngôn từ đến giọng nội tâm đến lối suy nghĩ của ba người này giống nhau đến lạ. Cùng là cái kiểu trò chuyện dài dòng, cách dùng từ kiểu cách, đến mức trong lúc đọc truyện, cứ sau một thoáng mất tập trung là mình phải lật lại vài trang trước xem đoạn mình đang đọc được kể theo lời của ai. Thụy, một người sinh ra trong gia đình nghèo khó, bất hạnh, sống đời lang bạt bấp bênh, lại có nếp nghĩ và lối nói gần như đúc từ một khuôn với Nam Phong, một thầy giáo lớn lên trong một gia đình gia giáo nghiêm khắc, và cũng y hệt với cả Nguyên, hậu duệ của một gia đình có quyền thế và luôn phải vật lộn để tìm được danh tính cho riêng mình. Tác giả đã cố gắng xây dựng một hệ thống nhân vật đa dạng, và mình cảm kích điều đó. Nhưng cách thể hiện lại không ăn thua.
Thứ hai là một đặc điểm ở truyện mà mình không biết dùng từ tiếng Việt gì để mô tả, nên đành mượn tạm từ một từ tiếng Anh là superficial. Cái thế giới của truyện, nếu người đọc bị cuốn vào trong đó thì sẽ thấy rất ổn, rất được; nhưng ngay khi vừa ngẩng lên khỏi cuốn sách thì sẽ thấy truyện vẫn chỉ là... truyện. Ngoài đời người ta không ăn nói với nhau như thế. Ngoài đời người ta không thể tình cờ biết nhau nhiều đến mức cứ vài ba trang lại nhận một người quen như thế. Ngoài đời có lẽ chẳng người nào thờ ơ đến độ cực đoan như Nam Phong, hay hoàn hảo như Doanh, hay hóa trang giỏi đến mức lừa phỉnh được tất cả mọi người như Thụy... 
Kết lại, Thăm thẳm mùa hè với mình chỉ là một tác phẩm đọc một lần rồi thôi, không để lại ấn tượng quá sâu sắc, và cũng không cần thiết phải đọc thêm lần thứ hai.
Ảnh: Trang Trinh Thám
0 notes
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#7: Chuyến tàu đêm trên dải Ngân Hà
Thông tin
Tên sách: 銀河鉄道の夜, Ginga Tetsudō no Yoru
Tác giả: Kenji Miyazawa
Dịch giả: Thanh Điển
Năm xuất bản: 1934
Quốc gia: Nhật Bản
Ngôn ngữ viết: Tiếng Nhật
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Số trang: 112
Nội dung
“Campanella, vậy là chỉ còn hai đứa mình, chúng ta sẽ bên nhau đi đến tận cùng trời cuối đất nhé. Tớ có thể như con Bọ cạp kia, sẵn sàng đốt cháy cả thân thể mình để đem lại hạnh phúc thực sự cho người khác.”
“Tớ cũng thế.” Campanella rưng rưng nói.
“Nhưng hạnh phúc thực sự là gì nhỉ?”
“Tớ không biết.” Campanella mờ mịt đáp.
Câu chuyện xoay quanh cậu bé tên Giovanni và người bạn thân là cậu bé Campanella. Sống ở một thị trấn nhỏ, Giovanni thường xuyên bị bạn bè trêu chọc vì hoàn cảnh khó khăn của mình, khi cậu có người mẹ bị bệnh nặng và người cha vắng nhà đã lâu. Giovanni gần như cô độc ở trường, chỉ có Campanella là người duy nhất luôn thấu hiểu và quan tâm tới cậu. Một đêm nọ, khi đang đi lấy đồ cho mẹ, Giovanni tình cờ bước lên một chuyến tàu đầy bí ẩn, và Campanella cũng đang ở đó. Cùng nhau, hai cậu bé đã bay qua những vì sao, đi tới những miền đất bí ẩn, gặp gỡ những con người kỳ lạ, và từ những cuộc hội ngộ đó, học được nhiều điều về thế giới và về chính bản thân...
Cảm nghĩ
Chuyến tàu đêm kỳ diệu đưa Giovanni và Campanella vào không gian cũng chính là cuộc hành trình trong cõi mơ để kiếm tìm hạnh phúc trong cõi thực. Xuyên suốt cuốn sách, tuy xoay quanh hai nhân vật chính là hai đứa trẻ, tác giả đã bàn luận về những vấn đề mang tính phổ quát của đời người như tình thương, sự hy sinh, nỗi cô đơn, mất mát, niềm tin và hy vọng. Để rồi cuối cùng, tất cả hội tụ lại về những câu hỏi:
Hạnh phúc là gì?
Trong cõi đời ngắn ngủi này, làm sao để tìm thấy hạnh phúc?
Cuốn sách là món quà tuyệt diệu mà nhà văn đoản mệnh Kenji Miyazawa để lại cho thế giới này, trước khi giã từ dương thế ở tuổi 37. Bản thân Chuyến tàu đêm trên dải Ngân Hà chưa bao giờ được tác giả của nó hoàn thành - tại nước Nhật, sách có tới 4 phiên bản khác nhau được giới thiệu với độc giả. Nhưng dẫu cuốn sách vẫn còn dang dở, thì những giá trị tư tưởng của nó vẫn khá là hoàn thiện, và thể hiện một nhân sinh quan thống nhất, một tấm lòng hướng đạo vô cùng chân thành của Miyazawa. Sách dễ đọc, nhưng không dễ để hiểu hết, và mình tin rằng mỗi chúng ta, ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, sẽ có những lời giải khác nhau cho những câu hỏi mà tác giả đưa ra gần 100 năm trước.
Bài viết đã đăng trong group Bookademy - Những trang sách chưa mở.
Ảnh: Tao Đàn
1 note · View note
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#6: Câu chuyện nghĩa địa
Thông tin
Tên sách: The Graveyard Book
Tác giả: Neil Gaiman
Dịch giả: Lê Minh Đức
Năm xuất bản: 2008
Quốc gia: Anh
Ngôn ngữ viết: Tiếng Anh
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Số trang: 359
Nội dung
Hãy ngủ đi, bé yêu của mẹ
Ngủ cho đến khi con tỉnh giấc
Lớn lên con sẽ được thấy thế gian
Nếu mẹ không nhầm...
Câu chuyện nghĩa địa kỳ lạ như chính nhan đề của nó. Truyện kể về một cậu bé tên là Nobody 'Bod' Owens, có gia đình bị sát hại dưới tay một kẻ sát nhân từ ngày cậu đi còn chưa vững. Trong lúc vô tình chạy trốn khỏi hắn, cậu lạc vào khu nghĩa địa cổ trong thị trấn và được những cư dân (không còn sống) ở đó nhận nuôi. Cậu gọi hai hồn ma là cha và mẹ, nhận một người không sống cũng chẳng chết làm cha đỡ đầu, sống trong một căn hầm mộ ẩm thấp, ngày qua ngày lang thang giữa những tấm bia đá hàng trăm tuổi, ngồi hàng giờ bên hàng rào ngăn cách hai thế giới và ngôi nhà thờ bỏ hoang. Cậu xa lạ với người sống, dù bản thân cậu vẫn đang còn sống, đang lớn lên và thay đổi mỗi ngày...
Cảm nghĩ
Với tác phẩm viết cho thiếu nhi này, Neil Gaiman đã thể hiện một trí tưởng tượng xuất sắc. Hình ảnh khu nghĩa địa cổ trong truyện hiện lên đầy mới mẻ nhờ sức sống được tác giả khơi lên từ những hình ảnh thê lương quen thuộc ở nơi chôn cất người đã khuất. Những hồn ma chẳng hề mang vẻ dọa nạt, bí ẩn hay quái dị mà rất dễ thương rất chân thành (cảm giác hồn ma còn sôi nổi hơn chính cậu Bod nữa), và mỗi người mang một tính cách khác nhau, hợp thành một xã hội chẳng khác gì xã hội của chúng ta cả. Ở đó, có vợ chồng Owens nhân hậu, có má Slaughter với cái tên rởn da gà nhưng lại rất hiền từ, có chàng thi sĩ Nehemiah Trot dở dở ương ương, có chú Silas và cô Lupescu tưởng như lạnh lùng, vô cảm nhưng luôn hết mình bảo vệ Bod.
Nghĩa địa không chỉ là nơi nương náu tạm thời, mà nơi đó thực sự là nhà, là quê hương của Bod. Ở đó cậu được tự do đi lại, được mọi người yêu thương và che chở, được học hành như bao đứa trẻ khác. Và cũng giống như chúng, tuy cậu cũng có lúc nghịch ngợm (nổi loạn) muốn trốn khỏi nơi ấy, muốn đi thật xa để thấy thế gian, nhưng luôn luôn, sự thân thuộc và bình yên nơi nghĩa địa chính là thứ dẫn cậu trở về.
Thế nhưng định mệnh trớ trêu. Cậu chưa bao giờ thuộc về nơi ấy. Quyền Tự Do Đi Lại trong nghĩa địa của cậu chỉ là tạm thời, nó sẽ mất dần khi cậu lớn lên và nhận thức nhiều hơn. Những người bạn ngày nhỏ của cậu vẫn mãi là những đứa trẻ trong khi cậu cứ lớn lên mãi. Nên ta thấy mối quan hệ của cậu với những cư dân nghĩa địa ấm áp đó, gần gũi đó mà cũng xa cách đó. Cảm giác họ vừa không thể hòa hợp nhau, vừa không muốn hòa hợp nhau vì sợ giây phút chia lìa. Và Bod vẫn mãi chỉ có một mình trong những lựa chọn.
Có một chương trong Câu chuyện nghĩa địa khiến mình thèm được là cư dân ở nơi đó, thèm đến chết đi được - chương Vũ hội tử thần. Đó là thời điểm những bông hoa trắng trong thị trấn nở, khi mà tiết trời vẫn còn giá rét. Toàn thể cư dân trong nghĩa địa chuẩn bị cho một dịp hiếm hoi họ có thể nhảy múa với những người đang sống, hòa cùng những người đang sống trong một giai điệu kéo dài như vô tận. Mình không hiểu vì sao mình thích chương này đến vậy. Có lẽ bởi cách tác giả tả nó lạ quá. Vừa kỳ quặc không tin nổi, lại gần gũi chẳng khác nào những điều ta vẫn gặp hàng ngày.
Cái kết của tác phẩm đẹp như bao câu chuyện cổ tích khác. Trận đối đầu cuối cùng giữa Bod với kẻ ám sát gia đình cậu không quá căng thẳng hay đau thương, nó cứ thế đến rồi đi như hàng bao cuộc phiêu lưu của Bod vậy. Và Bod - lúc này đã lớn - bắt buộc phải ra đi. Có lẽ cậu sẽ trở về với những hồn ma đã cưu mang cậu - mình muốn tin là như thế - nhưng cậu phải sống đã, sống sao cho không phụ lòng họ. Cảnh Bod chia tay người mẹ nuôi, dường như cậu đã nói lời tạm biệt với cả tuổi thơ mình, cả niềm tin và những người bạn ngày nhỏ, với thế giới đẹp đẽ cậu từng sống trong. Hình ảnh ấy, mỗi chúng ta hẳn đều thấy quen thuộc.
Hôn một người thương
Nhảy một điệu vui
Tìm thấy tên mình
Cùng một kho báu
Đối mặt với cuộc đời
Với niềm vui, với nỗi đau
Không bỏ qua con đường nào.
Câu chuyện nghĩa địa có bố cục khá rời rạc. Mỗi chương truyện diễn ra cách nhau hai năm, từ khi Bod còn là em bé mới tập đi đến lúc cậu tròn mười lăm tuổi. Chính bởi vậy, người đọc sẽ cảm thấy hơi... đuối sức khi dõi theo những hành trình của Bod, bởi vì mỗi lần một chương mới mở ra, ta dường như lại thấy một Bod hoàn toàn khác. Tuy nhiên, khi kết hợp tất cả lại, ta vẫn được một bức tranh hoàn chỉnh. Bức tranh về cậu bé kỳ lạ sống ở một nơi kỳ lạ, ưa khám phá, có chút ma quái và cô độc; về thế giới của cậu, nơi tưởng như mọi chuyện vẫn đang diễn ra, nhưng thực chất đã dừng lại mãi mãi.
Nhã Nam dịch cuốn này với cùng một văn phong như bao cuốn văn học Anh khác. Nghĩa là khô không khốc. Nhưng mình nghĩ họ đã rất cố gắng để trung thành với nguyên tác. Thú thật khi đọc cuốn này mình cảm thấy mình đã quá tuổi rồi, nên chẳng còn say sưa đọc nó liền một mạch từ đầu đến cuối nữa. Giá như mình có cơ hội đến với nó bốn hoặc năm năm trước, hẳn câu chuyện của cậu bé Bod sẽ làm mình thích mê. Bởi vậy bài cảm nhận này hoàn toàn mang tính tham khảo. Ờm, mình không cố gắng các bạn đọc nó đâu (mình sẽ không phá hỏng một cuốn sách tuyệt vời trong mắt các bạn) nhưng nếu bạn đang có ý định tìm mua cuốn sách nào đó cho các em nhỏ, thì tác phẩm của Neil Gaiman này sẽ là một lựa chọn đáng cân nhắc đấy.
0 notes
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Danh mục sách truyện đã review
[1911] Khu vườn bí mật - Frances Hodgson Burnett
[1934] Chuyến tàu đêm trên dải Ngân Hà - Kenji Miyazawa
[1987] Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh
[1988] Còn chút gì để nhớ - Nguyễn Nhật Ánh
[1995] Kính vạn hoa - Nguyễn Nhật Ánh
[2000] Miền xanh thẳm - Trần Hoài Dương
[2002] Đẹp là một nỗi đau - Eka Kurniawan
[2008] Câu chuyện nghĩa địa - Neil Gaiman
[2013] Đại dương cuối đường làng - Neil Gaiman
[2017] Ngoài bờ đông là mặt trời - Trường An
[2017] Ta mù tịt: Một vũ trụ còn nhiều điều ẩn giấu - Jorge Cham & Daniel Whiteson
[2018] Thăm thẳm mùa hè - Nguyễn Dương Quỳnh
[2020] Thiên cầu ma thuật - Nguyễn Dương Quỳnh
0 notes
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#5: Kính vạn hoa
Thông tin
Tên sách: Kính vạn hoa
Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Năm xuất bản: 1995 - 2010
Quốc gia: Việt Nam
Ngôn ngữ viết: Tiếng Việt
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Nội dung
Kính vạn hoa là một bộ truyện gồm 54 tập xoay quanh nhóm bạn thân Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh - ba học sinh cấp hai sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Mỗi tập truyện mở ra một vấn đề mà nhóm bạn cần giải quyết, hay một bí ẩn mà họ muốn tìm hiểu. Nhưng dù có làm bất cứ điều gì, bộ ba vẫn luôn luôn có nhau, và cùng nhau trải qua những tình huống dở khóc dở cười, học được nhiều bài học ý nghĩa...
Cảm nghĩ
Thuở bé, tôi mê cái kính vạn hoa, và bây giờ, đã lớn, tôi vẫn mê thứ đồ chơi này. Nếu được bỏ phiếu, tôi sẽ không ngần ngại bình chọn ống kính vạn hoa là đồ chơi kỳ thú nhất của tuổi thơ, là quà tặng tuyệt diệu nhất mà người lớn đã nghĩ ra cho trẻ em. Hằng hà bông hoa lần lượt xuất hiện dưới tay mình, chỉ sau mỗi cái lắc nhẹ. Những cánh hoa không ngừng thay dáng, những sắc hoa không ngừng đổi màu, có tới hàng vạn, hàng triệu những bông hoa như thế, và tuyệt vời thay, không bông hoa nào giống bông hoa nào trong hàng vạn hàng triệu cái kia. Tôi ao ước những tập “Kính vạn hoa” của mình cũng sẽ đem lại cho các độc giả nhỏ tuổi điều gì na ná như thế. Cứ lắc một cái, một câu chuyện mới lại hiện ra.
(Một đoạn phỏng vấn khá nổi tiếng của Nguyễn Nhật Ánh, được trích đi trích lại rất nhiều lần, mặc dù ông đã bỏ qua sự thật rằng cái kính vạn hoa ban đầu vốn không phải phát minh dành cho trẻ con.)
Năm mình mười tuổi, nếu có người hỏi vì sao lại thích bộ truyện này như thế, mình sẽ không ngần ngại trả lời rằng bởi với mình, “Kính vạn hoa” chính là phép màu.
Phép màu thứ nhất là vì, mỗi câu chuyện là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. 54 câu chuyện là 54 chuyến phiêu lưu khác nhau của các nhân vật nhỏ tuổi. Và như Nguyễn Nhật Ánh đã nói trong đoạn phỏng vấn mình trích ở trên đó, chẳng có câu chuyện nào giống câu chuyện nào hết. Khi mỗi tập sách được mở ra, trong lòng mình ngập tràn niềm hứng khởi như thể sắp được lên xe đi một chuyến du ngoạn thật dài, và khi khép sách lại, lòng mình lại ngổn ngang những tiếc nuối khi nhìn số lượng những “chuyến đi” cứ ngày một vơi dần đi. Chỉ bằng những con chữ, Nguyễn Nhật Ánh đã đưa mình đi thăm quan những ngõ ngách của Thành phố Hồ Chí Minh, dạo chơi trên bờ biển Vũng Tàu, hay lang thang trong những khu rừng miền Trung - những nơi mà ngày nhỏ mình không có cơ hội đặt chân đến. Mỗi tập truyện lại mở ra một rắc rối cho các nhân vật, và mình đã từng, cùng với họ, điên đầu tìm lời giải cho những câu đố vui, lo lắng trước những kẻ phản diện, côn đồ, bí ẩn, hay ngơ ngẩn trước sự đa sắc của cuộc sống. Và thời đó, mình cũng đã từng mơ đến năm lớp tám, lớp chín sẽ có những tháng ngày thú vị như họ đã trải qua (và điều đó không đến). Những trang sách có thể khiến mình trải nghiệm những điều mà cuộc sống thật không đem lại, vậy chẳng phải phép màu thì là gì?
Phép màu thứ hai là vì, hệ thống nhân vật của bộ truyện được tác giả xây dựng cực kỳ hiệu quả. Không kể đến bộ ba Quý ròm - Tiểu Long - Hạnh quá là dễ thương dù có hơi khuôn mẫu ở một số đoạn, thì các nhân vật phụ cũng đều ít nhiều đáng nhớ. Có thể kể đến Mạnh, em họ Quý ròm ở Vũng Tàu với máu thám tử, thích điều tra phá án nhưng lại nhát gan. Văn Châu, cô bạn hiện đại, cá tính nhưng rất mực chân thành. Hay là Oanh, cô em gái ngoan ngoãn dễ thương của Tiểu Long. Là người chú của Quý ròm với tình yêu nghệ thuật bao la. Cũng không thể bỏ qua Lâm, “chúa quậy” của lớp 8A4 nhưng bản chất lại là một cậu chàng thông minh và sống tình cảm. Và cả những Tắc Kè Bông, Dũng cò, Bò Lục… với những câu chuyện hoàn lương đầy cảm động.
Phép màu còn là bởi thế giới của Kính vạn hoa tuy muôn hình, muôn vẻ nhưng sao vẫn quá đỗi tươi đẹp. Chẳng có câu chuyện nào là kết thúc không có hậu cả, đến những chương cuối, nút thắt luôn được giải quyết, người tốt luôn được tưởng thưởng, và người xấu (nếu có, nhưng hiếm lắm!) thì sẽ nhận được bài học nhớ đời. Đó là một thế giới học đường có phần được lý tưởng hóa đậm chất Nguyễn Nhật Ánh, thể hiện trong tất cả các tác phẩm của ông. Mình đọc Kính vạn hoa và mình muốn tin, tin vào một thế giới như thế, nơi mà người tốt nhiều hơn người xấu, người ta buộc phải xấu trong hoàn cảnh ngặt nghèo, và rằng con người luôn có khuynh hướng hướng thiện.
Mình không rõ những ấn bản sau này còn có không, nhưng trong bộ Kính vạn hoa 6 quyển dày cộp màu xanh biển mà mình có ở nhà thì, sau tập 45 có một phần phụ lục tên là Còn chút gì để nhớ. Ở đây, phía nhà xuất bản đã tổng hợp lại những bài viết, tranh vẽ, thơ ca, thư từ ghi lại cảm nhận và tình cảm yêu mến của bạn đọc dành cho bộ truyện. Bạn sẽ phải bất ngờ vì sự đa dạng của chúng, những tình cảm ấy đến từ mọi miền đất nước và mọi lứa tuổi. Ở thời đại mà truyền thông chưa tiện dụng như ngày nay, thì sự chân thành trong những tình cảm ấy càng chứng tỏ được sức hút của Kính vạn hoa với một bộ phận đông đảo độc giả. Chứng tỏ rằng, không chỉ mình, mà còn rất nhiều người đã sống, đã lớn lên, đã biết sống tích cực hơn, và nhìn chung đã tốt đẹp hơn, cùng với Kính vạn hoa.
Lần gần đây nhất mình ngồi cày bộ truyện này từ đầu đến cuối là khoảng ba năm trước. Lúc đó mình đã không còn thích Nguyễn Nhật Ánh nhiều như xưa, vì các tác phẩm sau này của ông liên tục làm mình thất vọng, và cũng bởi khi mình lớn lên, “phép màu tuổi thơ” cũng mất dần và mình nhận ra những cái chưa hay trong truyện của ông mà ngày nhỏ mình không ý thức được.
Nhưng khi đọc lại Kính vạn hoa, mình ngạc nhiên thấy bộ truyện tuổi thơ của mình ngày ấy vẫn chứng tỏ được giá trị nhân văn của nó trước thời đại mới. Những tình tiết dí dỏm đan cài dày đặc trong truyện vẫn khiến mình bật cười, những nút thắt và cách tác giả gỡ nút cho các nhân vật vẫn khiến mình “ồ” lên vì dễ thương, và đặc biệt nhất, cái cách mà Nguyễn Nhật Ánh truyền tải những thông điệp, ý nghĩa trong các câu chuyện (về tình thương người vượt qua mọi khác biệt, về tầm quan trọng của việc học và của sự hiểu biết, về sự hy sinh của cha mẹ thầy cô, về bình đẳng giới, về vấn đề bảo tồn thiên nhiên, về đức tính đáng quý của những người bất hạnh…) vẫn cực kỳ ấn tượng trong hoàn cảnh hiện nay. Khi chọn sách cho trẻ con, mình không chỉ quan tâm đến việc một tác giả nói gì, mà còn coi trọng việc họ nói như thế nào, và thật đáng mừng, đáng quý biết bao rằng Kính vạn hoa đảm bảo được cả hai yếu tố đó.
Ngoài ra, cũng có một điểm khác mà mình cảm thấy thú vị khi đọc lại bộ truyện này, đó là mặc dù bộ truyện có xuất hiện những hạn chế của thời đại, nhưng lại không bị những hạn chế đó giới hạn. Cụ thể, có khá nhiều tập mà tiền đề của chúng có vẻ sẽ không còn khả thi trong thời đại ngày nay, như là tập Quán kem, với những mâu thuẫn, xung đột xoay quanh việc máy vi tính còn rất hiếm và Internet chưa phổ cập tới mọi ngóc ngách như bây giờ, hay là tập Cỗ xe ngựa kỳ bí với nút thắt dễ dàng được giải quyết nếu các nhân vật mang theo smartphone. Nhưng những điều đó có khiến cho câu chuyện trở nên lạc hậu và kém hấp dẫn hay không? Ngược lại là đằng khác. Dù thời đại mà các nhân vật sống không giống với chúng ta, thì những đức tính, những giá trị trong con người họ thì chẳng khác tí nào, họ vẫn được yêu mến vì là những con người tốt đẹp, nhân hậu, và có ý chí vượt lên mọi khó khăn thử thách. Hoàn cảnh không giới hạn họ, hoàn cảnh khiến những đức tính của họ càng tỏa sáng hơn. Đọc lại Kính vạn hoa, mình chợt nhận ra rằng 25 năm trước hay 25 năm sau vẫn thế thôi, tình thương người, lòng nhân hậu vẫn là giá trị mà thời đại nào cũng ngợi ca.
Mình không chắc ở Việt Nam trong 25 năm qua có nhà văn nào lại hăng hái “ăn thua” với sự nở rộ của văn học nước ngoài như Nguyễn Nhật Ánh. Thấy trẻ em say sưa với Doraemon, ông viết ra bộ Kính vạn hoa, cũng xoay quanh một nhóm bạn thân với những rắc rối trong đời sống thường nhật. Sau đó, thấy thanh thiếu niên lên cơn sốt với chàng phù thủy Harry Potter, ông lại sáng tạo ra Chuyện xứ Lang Biang, lấy đề tài phù thủy nhưng mang đậm dấu ấn Việt. Sau này, ông không sáng tác phong cách “combat” “một chọi một” như vậy nữa, nhưng ý đồ cho ra đời những tác phẩm cộp mác “made in Vietnam” vẫn khá rõ rệt trong phần đa các tác phẩm của ông lẫn những phát biểu nhận được đông đảo sự đồng tình từ độc giả của ông quãng thời gian gần đây. Có vẻ như việc làm sao để trẻ con không chỉ chịu khó đọc sách, mà còn phải đọc sách của tác giả Việt là một điều mà nhà văn vẫn không ngừng trăn trở.
Cá nhân mình, mình thực lòng cho rằng những nỗ lực ấy có phần hơi giống như muối bỏ bể, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Nhưng mình trân quý những nỗ lực ấy, bởi vì mình hiểu rằng, khi sáng tác ra những cuốn sách dành cho tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh thực sự có một “tuổi thơ” trong lòng, và tác phẩm của ông luôn phải dành tặng được cho thiếu nhi, thiếu niên những món quà tinh thần mà ông cho là quý giá. Mình nghĩ rằng khi một nhà văn viết sách bằng cái tâm với một thế hệ, thì cái tâm ấy nhất định sẽ khơi gợi niềm cảm hứng ở thế hệ ấy. Và hy vọng rằng chúng ta sẽ còn thấy nhiều những tấm lòng như thế ở các nhà văn Việt Nam khác trong tương lai.
Bài viết đã đăng trong group Bookademy - Những trang sách chưa mở.
Ảnh minh họa: Tiki
0 notes
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#4: Ta mù tịt - Một vũ trụ còn nhiều điều ẩn giấu
Thông tin
Tên sách: We Have No Idea - A Guide to the Unknown Universe
Tác giả: Jorge Cham & Daniel Whiteson
Dịch giả: Nguyễn Duy Khánh
Năm xuất bản: 2017
Quốc gia: Mỹ
Ngôn ngữ viết: Tiếng Anh
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Số trang: 396
Nội dung
Ta mù tịt - Một vũ trụ còn nhiều điều ẩn giấu (một cái nhan đề hơi dài, mà trong bài mình xin phép gọi tắt là Ta mù tịt) là thành quả hợp tác giữa Jorge Cham và Daniel Whiteson mà dấu ấn của mỗi tác giả trong cuốn sách đều khá đậm nét. Bản gốc bằng tiếng Anh của sách được xuất bản năm 2017, và kể từ đó đến giờ đã được dịch ra trên 23 thứ tiếng, nhận được nhiều giải thưởng tại các nước khác nhau. Bản tiếng Việt được Nhã Nam mua bản quyền, dịch giả Nguyễn Duy Khánh chuyển ngữ, và phát hành năm 2019.
Cuốn sách này, đúng như tên gọi của nó, đề cập đến những bí ẩn chưa có lời giải trong vũ trụ. Sách dày 360 trang (chưa kể các phần phụ lục, chú thích, và lời cảm ơn), được chia làm 17 chương. Nhan đề của mỗi chương là một câu hỏi lớn, mang tính nền tảng trong vật lý, mỗi câu hỏi lại được chia ra thành các khía cạnh nhỏ hơn để suy xét. Ví dụ, trong Chương 2: Vật chất tối là gì?, các tác giả sẽ đi từ việc khơi gợi óc tò mò và hứng thú của độc giả về vật chất tối, đến việc trình bày những hiểu biết hiện tại mà khoa học có được về dạng vật chất đặc biệt này, cho đến những bí ẩn chưa có lời giải, và vì sao việc nghiên cứu nó lại quan trọng. Hầu hết nội dung của các chương đều đi theo trình tự này. Nhưng đừng lo lắng về việc các bạn sẽ phải đọc wall-of-text nhé. Các khía cạnh đưa ra đều được đánh dấu bằng các đề mục, do vậy bố cục của các chương tương đối rõ ràng, và rất dễ theo dõi nữa.
Những chủ đề mà sách đưa ra đi từ những vấn đề mang tính gần gũi (như vật chất, năng lượng, các loại lực tác động lên cuộc sống chúng ta hàng ngày) đến những vấn đề phổ quát hơn, cần nhiều sự suy luận và tưởng tượng hơn (như Vụ Nổ Lớn, thuyết Vạn vật, hay thậm chí cả vấn đề tìm kiếm sự sống ngoài không gian). Theo mình, đây là một trình tự khá hợp lý, cách dẫn dắt mạch suy nghĩ của người đọc phù hợp, các chương trước khơi gợi và bồi đắp cho người đọc những tri thức cần thiết để hiểu và hứng thú với những chương sau. Những thuật ngữ và kiến giải nhìn chung được đưa ra với một mật độ vừa phải, người đọc đồng thời không bị ngợp thông tin và không cảm thấy nhàm chán với những điều mà ai cũng biết. Bản thân mình không phải là một người học được vật lý ở phổ thông (và cũng không theo ngành vật lý ở hiện tại) nhưng vẫn có thể hiểu được và thích thú với phần lớn các thông tin mà sách đưa ra. Thậm chí, có những kiến thức vật lý mà thời cấp ba mình học mù mờ, vào trong sách tự dưng cảm thấy chúng dễ hiểu và dễ thương đến lạ.
Nghe… có vẻ sách vẫn hơi hàn lâm đúng không? Thế thì điểm đặc biệt (và thu hút nhất) của cuốn sách đây:
Không chỉ đưa ra kiến thức qua con chữ, sách còn tràn ngập các hình minh họa lý thú. Bật mí nhé, những hình minh họa này là do chính Jorge Cham vẽ đó. Có thể mình đang liên tưởng hơi xa, nhưng không biết ở đây đã bạn nào đọc series Nhật ký ngốc xít của Jim Benton chưa? Những hình minh họa trong cuốn Tôi mù tịt cũng hài hước và giàu liên tưởng đúng như Nhật ký ngốc xít vậy đó. Các tác giả đã hình tượng hóa, nhân hóa các thành tố của vật chất, của vũ trụ thành những nhân vật và hình ảnh vô cùng sinh động. Bạn sẽ phải bật cười khi lật đến võ đài của các hố đen, những cuộc gặp mặt của vật chất và phản vật chất, và hai nhà vật lý - dẫn chuyện (tức hai tác giả) dường như luôn cãi nhau bởi đủ thứ chuyện vặt vãnh trên đời.
Cảm nghĩ
Điểm mạnh nhất của cuốn sách, theo mình, chính là nhiệt huyết của các tác giả. Đọc sách, bạn có thể cảm nhận rõ rệt tình yêu của hai tác giả Daniel Whiteson và Jorge Cham đối với tri thức, với khoa học, với vật lý, và với việc chia sẻ những hiểu biết về vật lý cho mọi người. Khi đọc sách, đã rất nhiều lần mình phải bật cười vì à, hóa ra làm khoa học không hề khô khan, không phải chỉ nhìn vào những số liệu, mà các nhà khoa học cũng đặt ra rất nhiều những suy luận lẫn những giả thiết (một phần trong đó có thể khiến bạn bất ngờ vì chúng điên rồ chẳng kém gì suy nghĩ của người làm nghệ thuật); vì rằng hóa ra những vấn đề nghe có vẻ rất lằng nhằng như hố đen, như vật chất tối, như các thiên thạch… thực ra cũng chính là những vấn đề mà chúng ta đang nhìn thấy hàng ngày, phải đối diện và giải quyết hàng ngày; và rằng khoa học sinh ra chính là để phục vụ cho chính con người chúng ta, đời sống và xã hội chúng ta. Chính từ đây, sách đưa ra một thông điệp vô cùng tích cực, rằng mỗi cá nhân nên không ngừng trau dồi hiểu biết về thế giới cho bản thân, bởi vì mối liên kết giữa chúng ta với thế giới là một mối liên kết ở mọi cấp độ và không dễ gì phá vỡ được.
Ngoài ra, như mình đã trình bảy ở trên, mình còn cảm phục hai tác giả ở khả năng diễn giải những kiến thức phức tạp theo một cách sinh động nhất, gây được cả niềm yêu thích lẫn sự hứng thú tìm hiểu cho độc giả đại chúng, tức những người không chuyên. Đây là một công việc không hề dễ dàng chút nào, nhất là với những người nghiên cứu chuyên sâu về các ngành khoa học, nhưng bằng óc sáng tạo, bằng ngôn từ đơn giản, và bằng sự hài hước, hai tác giả đã thực hiện nhiệm vụ khó nhằn đó một cách vô cùng thành công. Đọc sách, mình có cảm giác như ngồi trong lớp học của hai ông thầy vật lý uyên thâm, hóm hỉnh, những người biết rõ bạn hiểu những gì và không hiểu những gì, để từ đó cung cấp cho bạn những kiến thức phù hợp nhất.
Tuy nhiên, Ta mù tịt cũng không tránh khỏi một vài điểm mà mình nghĩ rằng sẽ khiến cho một số người ở đây không đánh giá nó quá cao. Thứ nhất, hai tác giả có phần hơi “nhây” ở một vài đoạn, nghĩa là có những chỗ mình đã hiểu các thuật ngữ rồi và muốn người viết đào sâu thêm, thì họ vẫn cứ thêm vào những câu đùa bỡn, khiến cho mình phải kiên nhẫn ngồi đọc (hoặc bỏ qua một vài đoạn) để đến phần nội dung trọng tâm hơn. Thứ hai, tuy phần dịch thuật của tác giả Nguyễn Duy Khánh theo mình là khá ổn, nhưng có một số những trò đùa không thuộc về văn hóa của mình, mà chỉ khi bạn có hiểu biết nhất định về văn hóa đại chúng phương Tây, bạn mới có thể hiểu được.
Vậy thì độc giả của sách là những ai? Theo mình, Ta mù tịt là một cuốn sách dành cho độc giả ở mọi lứa tuổi. Những hình minh họa sinh động và hài hước có thể sẽ hấp dẫn với các em nhỏ (và cả người lớn!) còn phần ngôn ngữ thì khá dễ hiểu, mạch lạc và lôi cuốn, nhìn chung là dành cho tất cả mọi người.
Bài viết đã đăng trong group Bookademy - Những trang sách chưa mở.
Ảnh: Nhã Nam
0 notes
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#3: Nỗi buồn chiến tranh
Thông tin
Tên sách: Nỗi buồn chiến tranh
Tác giả: Bảo Ninh
Năm xuất bản: 1987
Quốc gia: Việt Nam
Ngôn ngữ viết: Tiếng Việt
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Số trang: 348
Nội dung
Nỗi buồn chiến tranh kể về Kiên, một người lính gốc Hà Nội đã dành trọn tuổi trẻ cho cuộc chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm mở đầu bằng cảnh Kiên cùng đồng đội đi dọc những cánh rừng Tây Nguyên thu nhặt xác chết sau ngày giải phóng, tiếp nối bởi cuộc sống hậu chiến của Kiên ở quê hương. Truyện là những mảnh ghép rời rạc, lộn xộn về cuộc đời anh, kỉ niệm chồng lên thực tại, quá khứ chồng lên hiện tại, được sắp xếp bởi một dòng hồi tưởng và suy nghĩ miên man. Chỉ đến khi cuốn sách, người đọc mới có thể tự lắp ráp trong đầu mình một câu chuyện, dù không hề hoàn chỉnh, về cuộc đời người lính ấy. Về tuổi thơ của anh, về thời niên thiếu bên cô bạn gái của anh, về tuổi trẻ đau thương nhưng sống động của anh, về những năm tháng cuối cùng muộn phiền và trống rỗng của anh.
Cảm nghĩ
Có lẽ điều ám ảnh nhất sau khi đọc Nỗi buồn chiến tranh đối với mình là những miêu tả của tác giả về cái chết. Cái chết trong tác phẩm hiện lên trong nhiều hình hài khác nhau, sống động và chi tiết như cách ta miêu tả một sinh vật sống. Đôi khi đó là một cột máu nóng hổi, đặc quánh bắn tóe ra từ thân người vừa bị trúng đạn. Đôi khi đó là những cái xác trắng ởn, trương phềnh trôi trên sông. Đôi khi đó là những mẩu răng, tóc vương vãi trên bánh xe tăng đang hùng hục băng rừng. Đôi khi là những vong hồn, những âm binh, những tiếng hú như vọng từ cõi khác... ám ảnh người ta cả trong mơ lẫn ngoài đời thực.
Nhưng qua cái cách tác giả miêu tả nó, tất nhiên bạn sẽ thấy rất khác cái cách mình miêu tả. Mình tả để hút bạn vào bài viết của mình thôi. Còn khi đọc văn Bảo Ninh, thực sự qua những đoạn như thế bạn sẽ không thấy ghê rợn. Hay kinh tởm, buồn nôn. Hay nực cười. Chỉ buồn. Một nỗi buồn da diết, buồn thấu tâm can. Cách tác giả nhắc đến những hình ảnh ấy chân thực đến trần trụi, vừa dửng dưng như tâm hồn người lính chai sạn trước cái chết vừa não lòng đến tê dại. Nỗi buồn ấy quẩn vào lòng người, âm u, dai dẳng, như một lời nhắc nhở đầy ảo não, thê lương về số mệnh con người qua những cuộc chiến. Qua cuộc chiến ấy.
Giữa đêm đen chiến tranh, giữa những máu và mưa rừng, giữa những ký ức vụn vỡ về hương thơm ma mị của loài hồng ma lẫn bầu không khí thâm u của khu rừng già trong mưa bom bão lửa, câu chuyện tình yêu trong trẻo của Kiên và Phương như một nguồn ánh sáng đẹp đẽ nhưng lạc lõng và phi lý. Phương xuất hiện lần đầu trong cơn say hồng ma của Kiên giữa rừng, tóc vờn trước gió, trẻ trung xinh đẹp, không một nét sầu thương, từ hoàn cảnh và cách miêu tả đã gợi lên một cái gì thật dang dở. Và nó dang dở thật, khi từng lớp từng lớp uẩn khúc trong câu chuyện tình ấy mở ra, là một lần người đọc cảm thấy nuối tiếc và đau lòng thay cho hai nhân vật. Nhưng vẫn có một cái gì đó tuyệt đối trong tình yêu của họ. Trong những khoảnh khắc niên thiếu của họ, khi họ say sưa quấn lấy nhau không rời nửa bước. Trong những ngày tháng trung niên của họ, khi họ giữ mãi một khoảng trống mà người kia đã lấy đi, khoảng trống không thể lấp đầy. Tình yêu của họ, dù trải qua cuộc chiến hay không, có lẽ cũng vẫn sẽ mãi dang dở. Nhưng chẳng thể phủ nhận nó đã phủ lên cuộc sống của họ một lớp bình yên, dẫu mỏng manh.
Cuộc đời của nhân vật Kiên có khá nhiều nét tương đồng với cuộc đời chính tác giả. Nên có lẽ Nỗi buồn chiến tranh về phương diện nào đó có thể được coi là một cuốn tự truyện. Những chi tiết trong truyện, nếu không xảy đến với chính tác giả, thì có lẽ đã từng được tác giả trông thấy, nghe thấy, hoặc cảm thấy, trong những năm tháng mịt mùng khói lửa, bom đạn, niềm tin. Như những dòng Bảo Ninh đã viết ở phần cuối truyện, khi sắm vai một người hàng xóm tình cờ tìm thấy những trang bản thảo Kiên để lại trước khi bỏ đi không tăm tích:
Còn bản thân tác giả, mặc dù xưng “tôi” nhưng đích thực y là ai trong những lính trinh sát ấy, những hồn ma, những bộ hài cốt moi từ đáy rừng lên ấy, những cậu bé con nhà bị đẩy lạc ra khỏi nguồn văn hóa, những đứa con của tự do nhưng trong đầu lại đầy những định kiến ấy?
Việc sắm vai ấy đối với mình là không cần thiết, dù có lẽ nó cần thiết ở thời điểm tác phẩm viết ra, trong hoàn cảnh rất khác bây giờ, với những người đọc rất khác với mình và lứa độc giả bây giờ. Mọi chi tiết, mọi câu văn, đều tự nó đầy đủ chân thực.
Văn của Bảo Ninh có một cái gì đó đặc biệt dễ nghe. Không phải nghĩa bóng kiểu dễ hiểu, dễ thấm, hợp lòng người, mà là thuận tai ấy. Những câu văn xuôi nhưng rất vần, số từ số chữ được giới hạn có chủ đích, từng dấu chấm dấu phẩy được sắp xếp một cách chính xác tuyệt đối để khi đọc to lên sẽ không vấp váp hay hụt hơi. Giống văn biền ngẫu, nhưng hai câu một không phải luôn sóng đôi. Giống thơ tự do viết liền mạch với niêm luật nghiêm chỉnh.
Đọc Nỗi buồn chiến tranh, có lẽ ta nên gạt bỏ mọi định kiến. Mang định kiến thì có lẽ khó cảm nổi cuốn sách này. Bởi thật sự Kiên là một con người đã từng tin tưởng. Có niềm tin vẫn còn, có niềm tin đã nát vụn theo thời gian. Nhưng truyện thực, buồn, ma mị, đau thương chứ không vô vọng. Vẫn còn một chút gì đó ngày mai. Trong cái cách Kiên điên cuồng đi tìm những kí ức, những bóng ma hư ảo. Trong cái cách Kiên vẫn nhìn ngọn đèn bên nhà Phương mà tưởng nàng về, và cả cái cách anh giữ hình ảnh nàng không vẩn đục sau bao nhiêu năm nữa. Kể cả trong cái cách Kiên đã không hủy đi bản thảo của mình, mà chờ một ai đó tìm thấy, đọc thôi, không cần hiểu…
Cuối cùng, mình muốn nói qua về cái tên của tác phẩm, một cái tên mình cảm thấy có lẽ cũng không khó khăn để hiểu được ý nghĩa. Nỗi buồn chiến tranh, không cụ thể là chiến tranh nào. Không cụ thể, hay nó là mọi cuộc chiến. Mọi cuộc chiến để lại nỗi buồn không chết trong lòng người. Người ta đi qua chiến tranh bằng thù hận, bằng ý chí sục sôi, bằng nỗi nhớ da diết và bằng cả những mộng tưởng hão huyền. Nhưng khi nhìn lại, chỉ còn một nỗi buồn duy nhất. Nỗi buồn nguyên thủy. Nỗi buồn vĩnh cửu.
Bài viết đã đăng trong group Bookademy - Những trang sách chưa mở.
Ảnh: Winny Nguyễn
1 note · View note
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#2: Miền xanh thẳm
Thông tin
Tên sách: Miền xanh thẳm
Tác giả: Trần Hoài Dương
Năm xuất bản: 2000
Quốc gia: Việt Nam
Ngôn ngữ viết: Tiếng Việt
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Số trang: 252
Nội dung
Miền xanh thẳm lấy bối cảnh những năm đầu sau giải phóng miền Bắc (khoảng 1955 - 1956) và được kể theo lời của nhân vật "tôi" - cậu bé Thiện mười ba tuổi. Do gia đình đông anh em, kinh tế khó khăn, Thiện phải khăn gói theo thầy Tín đi tàu lên Bắc Giang để học văn hóa. Lên đến nơi, Thiện được thầy Tín giới thiệu vào ở nhà bà cụ Muộn. Bà Muộn sống một mình, không con cái, căn nhà ngoài bà chỉ có đám học trò bên trường Ngô Sĩ Liên trọ học. Ngoài Thiện, ở trọ nhà bà Muộn còn có anh Nhu, vốn là bạn học của chị gái Thiện trước giải phóng; anh Hoàng hiền lành, ít nói (không xuất hiện nhiều lắm); thằng Bảo nghịch ngợm, xởi lởi với những câu chuyện bất tận về quê hương; thằng Nam nhỏ người, rất được việc (và cũng không có vai trò gì nhiều trong truyện). Từ một cậu bé thành phố, Thiện phải dần học cách làm quen với cuộc sống tự lập ở một vùng trung du xa lạ, phải tìm cách cân bằng việc học với những công việc làm thêm để trang trải cho sinh hoạt, phải làm quen và làm thân với những người xung quanh. May mắn cho Thiện, cậu không đơn độc trên hành trình tự lập ấy, bởi vì xung quanh cậu có những người thầy, người anh, người bạn luôn sẵn lòng giúp đỡ cậu hết sức có thể.
Mạch truyện đều đều mô tả cuộc sống sinh hoạt của Thiện ở Bắc Giang như vậy, không có cao trào, chỉ đơn giản là thuật lại một đoạn đời ngắn ngủi trong cuộc đời dài của cậu. Dễ thấy Thiện (hiện thân của tác giả) đứng ở thời hiện tại để thuật lại đoạn đời ấy trong ký ức, một đoạn ký ức (có lẽ là) đã khá xa xôi. Những kỷ niệm hiện lên nhỏ nhặt, vụn vặt, gần như chỉ là những mảnh quá khứ được chắp ghép lại với nhau: một lần Thiện suýt chết đuối ngoài sông Thương, một lần anh Nhu suýt bị tai nạn khi đi chở gỗ trên đê, một lần mấy anh em phải đổ cả nồi canh đi vì lỡ nấu con cóc, một lần nhà dột thầy Tín và Thiện nằm ngủ mà nước mưa ướt cả lưng áo hai thầy trò. Đan xen vào đó còn là những ký ức của Thiện về một đoạn đời trước khi lên Bắc Giang: một lần đi chơi với các chị ở dưới Hải Dương, một lần đi chơi với em trai trên Bờ Hồ, những ngày phải đi sơ tán trong chiến tranh. Truyện cũng gần như không có kết thúc - thực ra là có, kết bằng chuyến tàu đưa anh Nhu về Bắc Ninh sống với mẹ sau cái chết của cha anh - nhưng mình nghĩ rằng người đọc cũng tự hiểu được rằng ấy chỉ là sự khép lại của một thời kỳ trong ký ức của Thiện về những ngày trọ học, và cuộc đời, và tuổi thơ của cậu vẫn chưa hề kết thúc.
Cảm nghĩ
Thường thì khi đọc những cuốn tiểu thuyết mà có đến ba phần tư là hồi ký thế này, mình không kỳ vọng sẽ đọc được một tác phẩm quá đặc sắc, mà chỉ đơn giản là muốn được ngồi xuống và nghe các tác giả kể lại chuyện đời mình - tất cả những chi tiết họ đưa ra trong truyện, đối với mình đều là vô giá. Và Trần Hoài Dương là một người kể chuyện tuyệt vời, bởi ông không những thuật một cách rất chi tiết những năm tháng đã qua trong đời ông, mà còn làm điều đó bằng một lối viết sáng rõ, giản dị và hết mực chân thành. Càng về cuối sách, tác giả dường như càng quên mất rằng mình đang viết một cuốn tiểu thuyết có cốt truyện, có tình tiết, có nhân vật. Bắt đầu từ khoảng chương 18, sau đoạn Thiện hội ngộ với chị gái mình và ngồi kể lại chuyện cũ, chính tác giả cũng trở nên miên man chìm đắm vào những ký ức ấu thơ. Thậm chí có đoạn, tác giả quên luôn rằng nhân vật "tôi" của mình tên Thiện, để mà viết những dòng sau:
Ngày còn sống, một lần bố tôi kể tên tôi là do chính mẹ tôi đặt cho. Thường thì tên các anh chị tôi do bố tôi đặt. Riêng tên tôi, mẹ tôi giành đặt lấy. Khi vào nhà hộ sinh thăm mẹ tôi, thấy mẹ tôi đã sinh con trai, bố tôi định đi làm giấy khai sinh thì mẹ tôi cười bảo đã nói bà đỡ làm cho rồi. Mẹ tôi rất yêu hoa, thích trồng hoa, đặc biệt là hoa quỳ, tức hoa hướng dương. Chắc mẹ mong mỏi con trai mẹ cũng giống như loài hoa ấy, lúc nào cũng hướng về phía mặt trời, hướng về phía ánh sáng, phía ngay thẳng, chính trực, phía của cái đẹp, hướng thiện.
(Tên khai sinh của tác giả là Trần Bắc Quỳ.)
Ám ảnh nhất trong những hoài niệm ấy là hình ảnh người mẹ. Mẹ của Thiện (hay của Trần Hoài Dương) hiện lên dịu dàng, đầy yêu thương và cũng đầy phiền muộn từ một lần đẩy các con vào một cái cống gạch bên đường, còn bản thân thì ngồi trước miệng cống để chắn cho ba đứa trẻ; từ những giọt nước mắt bà rơi trước khi mất, phải để lại đàn con thơ trong cảnh khốn khó; từ hình ảnh ngôi mộ cỏ mọc um tùm của bà nằm lặng lẽ ở Bãi Trại; từ những lần bà về báo mộng trong giấc mơ của người em dâu (tức thím của Thiện) và của chính các con mình...
Hình ảnh về mẹ in đậm nhất trong tuổi thơ tôi là dáng mẹ tôi nằm bất động trên giường. Người thường nằm nghiêng, chân co chân duỗi, im lìm, mỏi mòn. Mỗi khi anh em tôi đi học về hoặc rong chơi ở bên ngoài ùa chạy vào, mẹ tôi uể oải ngoái nhìn ra, trên gương mặt xanh xao thoáng bừng lên nụ cười lặng lẽ, héo hắt. Tiếng mẹ tôi nhỏ nhẹ nhắc chị giúp việc lo cơm nước cho chúng tôi. Thấy tôi ăn uống chểnh mảng, mẹ không hề gắt gỏng nặng lời mà cố gượng ngồi dậy, tự tay xúc cơm cho tôi ăn, ánh mắt người vui hẳn lên khi thấy tôi ăn ngon lành.
Tôi chìm vào trong kỷ niệm. Mẹ tôi đang dẫn mấy chị em tôi đi trên cánh đồng vào một buổi chiều. Hôm ấy đi đâu nhỉ? Tôi không còn nhớ nữa. Chỉ nhớ là một buổi chiều rất đẹp, chuồn chuồn bay rợp trời. Những con chuồn chuồn ớt đỏ cháy, những con chuồn chuồn ngô vàng ươm, những con chuồn chuồn chúa xám đen với những chiếc cánh mỏng tang, trong suốt... bay cuống quýt như đang mải mê tìm kiếm một vật gì. Chúng tôi ào chạy đuổi bắt chuồn chuồn, hai tay dang ra chộp lia chộp lia, miệng la hét inh ỏi: 'Chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Bay cao thì nắng bay vừa thì râm...' Hôm ấy, lũ chuồn chuồn chắc là bay ở tầm vừa nên chúng tôi đã có một buổi chiều đẹp lạ lùng. Mấy mẹ con đi lẫn vào giữa đám chuồn chuồn lấp lánh màu ngũ sắc như đi trong giấc mơ.
Cảm giác như khi viết Miền xanh thẳm, Trần Hoài Dương cứ phải vất vả tìm cách cân bằng giữa hai cái "tôi" vậy: một cái "tôi" là cậu bé Thiện, nhân vật tưởng tượng trong tiểu thuyết của ông, và cái "tôi" còn lại là chính cậu bé mười ba tuổi sống trong ký ức của tác giả đang tìm mọi cách xuất hiện trên bề mặt con chữ. Ban đầu tác giả còn khá cẩn trọng trong việc xây dựng cốt truyện, để cho nhân vật Thiện có khởi đầu, có làm quen với những nhân vật khác, có sự phát triển về tâm lý, nhưng về sau cái "tôi" bên trong tác giả dường như thắng thế hơn, và từ chương 18 trở đi cảm giác người xưng "tôi" không còn là Thiện nữa, mà chính là tác giả, và cuốn tiểu thuyết đã ngoặt sang hướng tự truyện rồi. Điều này mình không rõ là biên tập viên và những người đọc khác có nhận ra hay không (cái đoạn giải thích tên "Quỳ" bên trên kia rõ ràng có thể tính là một lỗ hổng cốt truyện?) bởi mình có tham khảo nhiều bài review trên mạng và không thấy ai khác nhắc đến chi tiết này.
Tất nhiên thắc mắc thì thắc mắc thế thôi, chứ nếu mình là biên tập mình cũng giữ những đoạn văn đó lại, bởi thì thực sự, những phần mà tác giả "quên" mất mình đang viết truyện mới chính là những phần xúc động nhất (và cuốn sách này viết ra, có lẽ cũng giống Tuổi thơ im lặng của Duy Khán vậy, là kiểu "tác phẩm viết xong rồi thì người viết có thể xoa tay tựa như làm xong nghĩa vụ với đời" (hoặc là Trần Hoài Dương quá giỏi trong việc hóa thân vào nhân vật, nhưng thôi khả năng này chắc mình không xét đến?) Ví dụ, những dòng văn dưới đây, mình thực sư tin tác giả đã dốc hết cả gan ruột ra để viết ra, mỗi con chữ đều trong trẻo, thơ ngây như của một đứa trẻ lên mười ba, mà cũng lắm nỗi buồn da diết, buồn như cứa vào lòng:
Nhà tôi ở đầu phố Khâm Thiên. Đường chim bay đến ga Hàng Cỏ rất gần. Đêm đêm tôi trằn trọc không ngủ được vì tiếng còi tàu giục giã. Hàng chục đoàn tàu vào ga rồi rời ga, hú lên những hồi còi đầy nôn nóng và náo nức. Tôi phân biệt rất rõ tiếng lảnh lói cao vút của những con tàu cũ từ thời Pháp và tiếng trầm trầm đùng đục điềm tĩnh của những con tàu Trung Quốc mới. Chúng gọi nhau, chúng chào đón nhau, chúng thôi thúc nhau đi đến những miền đất xa xôi. Lòng tôi cũng bồn chồn, cũng náo nức theo chúng. Tôi cũng ao ước được bứt phá khỏi cuộc sống buồn tẻ này. Nhưng tôi còn nhỏ quá. Tôi mới chỉ mười ba tuổi. Biết đến bao giờ tôi mới đủ mười sáu, mười bảy tuổi để được đi làm, để khỏi phải ngong ngóng chờ đến bữa cơm mà nhiều hôm chờ đến ngang chiều cũng không thấy có... Trong đêm thanh vắng, nghe tiếng còi tàu hú gọi nhau, lắm khi tôi thầm ứa nước mắt.
Trong lãng đãng sương mù của quá khứ, tôi vẫn còn thấy hiện ra mấy chiếc xe tay do người kéo đậu một dãy trước nhà. Mấy anh chị em tôi ríu ran cười nói, hớn hở tranh nhau trèo lên mấy chiếc xe. Tôi ngồi lọt thỏm trong lòng mẹ, bên cạnh là một chiếc vali đựng quần áo, tư trang của mẹ tôi. Mấy chiếc xe nối nhau ra khỏi thị xã. Lần đầu tiên được thấy cảnh đồng quê, mấy anh chị em tôi vui không sao kể xiết. Chúng tôi gọi nhau, chỉ trỏ, trầm trồ, đi tản cư mà vui vẻ, hớn hở như được đi chơi xa. Tưởng như chỉ đi vài hôm rồi lại về, không ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi rời quê hương để đi vào cuộc kháng chiến dài đằng đẵng chín năm. Sau này nghe kể lại, tôi được biết, bố mẹ tôi hoàn toàn không chuẩn bị gì cho chuyến đi xa này. Cứ ngỡ chỉ chạy ra khỏi thị xã tránh bom đạn vài hôm rồi lại về. Đồ đạc, của cải khóa cửa để đấy, chỉ mang theo mấy bộ quần áo, ít tiền chi dùng tạm vài hôm. Không ngờ đi là đi luôn, coi như mất trắng hết cả. Kháng chiến chín năm kết thúc, do cuộc sống xô đẩy, gia đình chúng tôi cũng không trở về quê cũ nữa, mà đi biền biệt, mấy chục năm sau cũng không có mấy khi được trở về.
Rồi dưới ngọn đèn dầu tù mù, ông lúi húi nấu cháo gà cho tôi ăn. Con gà bé tí, chưa mọc đủ lông cánh duy nhất còn sống sót. Vừa moi ruột gà, ông vừa phân bua: 'Cháu ăn tạm con gà nhép này vậy. Có mấy con, bị toi chết hết cả, còn mỗi mình nó. Chắc thịt còn tanh lắm.' Không còn gạo, ông lấy trong gầm chõng ra mấy cái chai. Tôi ngỡ ông tìm nước mắm hay muối gì đó nhưng không phải. Đó là mấy chai đựng hạt đỗ giống. Mỗi chai, dốc ra được chừng một nắm, nào đỗ xanh, đỗ đen, đỗ tương... Tôi vội giữ tay ông lại, can: 'Để lại mà gieo ông ạ. Ông định nấu cháo bằng đỗ giống à?' Mồm ông méo xệch. Những nếp nhăn khắc khổ chằng chịt trên trán, trên mặt càng nhăn nhúm lại. Ông cố nuốt nước mắt: 'Để ông nấu cho cháu ăn. Mấy khi cháu về đây với ông. Nhà chẳng còn một hột gạo nào... Biết đến bao giờ ông cháu mới lại được gặp nhau? Mà lần sau cháu về chắc gì ông đã còn sống?' Và quả nhiên hơn một năm sau ông mất trong nỗi khốn khổ cùng cực. Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông.
Mình sinh ra và lớn lên ở thành phố. Nhưng ngày nhỏ mình học tiếng Việt, ê a với những con chữ từ những tác phẩm của Võ Quảng, Tô Hoài, Duy Khán, Trần Hoài Dương... in trong sách giáo khoa. Tuy trong đời mình chưa một lần lăn lộn đi bắt ếch ngoài đồng, bắt cua ngoài ruộng, bắt cá ngoài sông, nhưng những hình ảnh ấy đối với mình cũng thân thương gần như là đã từng trải qua vậy, bởi mình được tiếp xúc với chúng rất nhiều từ những ngày còn rất nhỏ. Sự thực là, mình nghĩ rằng cách hành văn và cách thưởng thức văn chương của mình đến tận bây giờ vẫn còn chịu ảnh hưởng từ những tác giả đầu tiên mình đọc ấy.
Đọc Tuổi thơ im lặng của Duy Khán hay Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương, có một cái cảm giác thân thương bao trùm mình mà mình không thể nào đừng được. Từng con chữ ấy hiện lên với mình đều lấp lánh, đều như mang mình về tuổi thơ, một cái tuổi thơ không tưởng nào đó lắm hồn nhiên và cũng lắm những nhọc nhằn vất vả (mình không rõ cái này có được coi là một phương diện nào đó của ký ức tập thể không?) Cho nên với mình, thật sự rất khó để đọc những cuốn sách ấy trên cương vị của một người ngoài, và cũng rất khó đánh giá chúng trên bình diện khách quan. Miền xanh thẳm thực sự chỉ dành cho một đối tượng độc giả nhất định (người Việt Nam, biết tiếng Việt Nam, thích văn học thiếu nhi, thích nghe những chuyện cũ, chắc thế - ý mình là nó không phải một câu chuyện mang tính lớn lao, toàn cảnh), nhưng nếu đọc được cuốn sách này thì thật sự là một may mắn cho người đọc.
Nếu buộc phải đánh Miền xanh thẳm trên phương diện một cuốn tiểu thuyết (như cái mác của nó) thì cuốn sách này đối với mình không quá xuất sắc, bởi một cốt truyện kể lể lan man, mạch truyện rời rạc không thống nhất, thiếu cao trào, thiếu nút thắt, cái kết chưa thực sự thỏa mãn với diễn biến truyện, vân vân mây mây. Nhưng đấy, như mình đã nói ở trên, tâm thế đọc Miền xanh thẳm nên là vì hoài niệm, vì những ký ức nó đem lại về một thời kỳ đã qua và vì lối kể chuyện đẹp đẽ của tác giả.
0 notes
nguyentrucnhi · 2 years
Text
Tumblr media
#1: Khu vườn bí mật
Thông tin
Tên sách: The Secret Garden
Tác giả: Frances Hodgson Burnett
Dịch giả: Nguyễn Tuấn Khanh
Năm xuất bản: 1911
Quốc gia: Anh
Ngôn ngữ viết: Tiếng Anh
Ngôn ngữ đọc: Tiếng Việt
Số trang: 321
Nội dung
Khu vườn bí mật xoay quanh một cô bé mười tuổi người Anh tên Mary Lennox, sinh ra ở Ấn Độ thuộc địa vào những năm đầu thế kỷ hai mươi. Mary không được bố mẹ yêu thương chăm sóc mà chủ yếu được nuôi nấng bởi người hầu bản địa, lại hay được nuông chiều do sức khỏe ốm yếu, nên có vẻ ngoài xấu xí gầy gò mà tính tình cũng cực kỳ khó ưa. Sau khi một đợt dịch tả giết chết cả cha lẫn mẹ Mary, cô bé được đưa về Anh sống cùng gia đình một ông bác rể tên Archibald Craven. Ông này góa vợ, sống gần như đơn độc, tách biệt trong một trang viên rộng mênh mông ở cạnh một cánh đồng thạch nam heo hút vắng bóng người, nên hay đi xa để giải khuây. Ban đầu khi được đưa về nhà bác, Mary vẫn giữ nguyên thói cáu bẳn khó ưa. Nhưng rồi sau một thời gian tiếp xúc với những người làm việc ở trang viên, đặc biệt là cô hầu gái Martha hồn hậu và ông lão làm vườn Ben Weatherstaff với tình yêu cây cỏ, Mary dần dần thay đổi tâm tính, vui vẻ hơn, biết nghĩ đến người khác nhiều hơn, thích ra ngoài vui chơi hơn, và nhờ đó sức khỏe cô bé cũng được cải thiện rõ rệt...
Cảm nghĩ
Thú thật là, trước khi đọc Khu vườn bí mật, mình đã tin đến chín mươi phần trăm là nó sẽ trở thành một trong những cuốn sách mình yêu thích nhất trong đời. Nhưng đọc xong sách rồi, mọi thứ lại... không được như mình kỳ vọng.
Tất nhiên mình thấy truyện rất hay, trời ơi, một trong những cuốn hay nhất mà mình đọc trong năm nay đó. Những điểm ở cuốn sách này khiến mình thích thì nhiều lắm. Nhờ phong cách của tác giả, và cũng một phần vì sách viết cho trẻ em, nên câu từ vô cùng sáng rõ, đơn giản nhưng vẫn gợi được nhiều cảm xúc này. Mình đặc biệt thích văn phong của Frances Burnett mỗi khi bà tả cảnh thiên nhiên, cảm giác như đang đứng trước một bức tranh cổ tích với những gam màu rực rỡ, và tâm hồn mình cũng trở nên phơi phới vậy:
Và trên bức tường, đất đai, cây cối cùng những cành nhánh mềm mại đang đung đưa trong gió là cả một tấm mạng màu xanh tuyệt đẹp do ngàn vạn chiếc lá nhỏ xíu mềm mại dệt thành đang phủ kín khắp nơi; trên bãi cỏ dưới bóng cây, nơi các bình xám trong hốc tường, chỗ này chỗ kia, hết thảy đều rực lên những đốm hoa màu vàng, tím, trắng; và những cây cao cũng đang khoe những đóa hoa màu phớt hồng và màu trắng như tuyết ngay trên đầu thằng bé; rồi thì tiếng vỗ cánh đầy xao xuyến của chú chim nào đó và tiếng líu lo ngọt ngào mơ hồ, tiếng vo ve cùng muôn vàn mùi hương. Vầng dương buông những tia nắng ấm áp lên khuôn mặt Colin giống như có một bàn tay mơn man dịu dàng."
Hay là đoạn dưới đây nữa, chắc là đoạn văn mình thích nhất trong cả quyển sách:
Một trong những điều lạ lùng về cuộc sống nơi trần thế là thỉnh thoảng có người dám cả quyết rằng họ sẽ sống mãi mãi. Đôi khi người ta có cơ hội cảm nhận điều đó, khi thức dậy vào lúc bình minh uy nghiêm mà dịu dàng, một mình ra khỏi nhà, ngước nhìn bầu trời nhợt nhạt đang từ từ hồng lên, với bao điều tuyệt vời không ai hay biết đang diễn ra cho tới khi cả phương Đông bừng sáng, và ta thảng thốt kêu lên, trái tim lặng đi trước vẻ uy nghi đường bệ muôn đời không đổi thay của cảnh mặt trời mọc - là điều vẫn xảy ra mỗi sáng từ muôn triệu năm qua. Trong khoảnh khắc, ta nhận ra điều đó. Và đôi khi ta lại nhận ra khi đứng một mình trong rừng vào buổi hoàng hôn, khi màu vàng tĩnh lặng thẳm sâu huyền bí chiếu xiên qua vòm cây như đang chậm rãi nhắc đi nhắc lại một điều gì đó ta hầu như không nghe thấy cho dù có cố gắng đến đâu. Rồi đôi khi sự im lặng mênh mang của màn đêm xanh thẳm cùng hàng triệu vì sao đang mong ngóng dõi theo khiến ta cảm nhận điều đó thật rõ ràng; và một nốt nhạc trầm vẳng tới biến mọi chuyện thành sự thật; hay đôi lúc, là nhờ một ánh nhìn trong mắt ai.
Xét về thể loại, có thể coi Khu vườn bí mật là một tiểu thuyết dạng Bildungsroman, nghĩa là mạch truyện tập trung khắc họa quá trình trưởng thành của một nhân vật. Cô bé Mary Lennox từ một đứa trẻ xấu xí, khó ưa trở thành một người khỏe mạnh, vui vẻ, biết nghĩ cho kẻ khác thế nào thì mình cũng đã nói qua ở phần tóm tắt. Nhưng quá trình trưởng thành của Mary (trong cuốn này) nhẹ nhàng hơn, không có những trải nghiệm đau đớn hay những cuộc phiêu lưu gian khổ. Mary học được cách trưởng thành và làm một người tốt, không phải vì sóng gió cuộc đời, mà là vì xung quanh cô bé có quá nhiều người tốt, và lòng tốt của họ đã chạm đến tâm hồn cô, thay đổi cô, khiến tự thân cô mong muốn bản thân tiến bộ hơn xưa. Martha, Ben, Dickon, Colin và cả ông bác Craven đều có những tác động nhất định thúc đẩy cô bé trưởng thành, tự hoàn thiện mình.
(Ngồi gõ mấy dòng này mình mới nhớ ra là, phần đặt vấn đề của truyện Khu vườn bí mật khiến mình liên tưởng khá nhiều đến Jane Eyre nữa. Nhân vật chính lớn lên không có tình yêu của cha mẹ, là những đứa trẻ ốm yếu ít được người lớn ưa này. Cả Jane và Mary đều tìm được chốn nương náu ở một trang viên rộng lớn nhưng có phần hoang vu cô tịch ở chốn hiếm người qua lại này. Cả hai đều nghe thấy những tiếng động lạ vào ban đêm và phát hiện ra trong nhà có những con người mình không hề biết đến này...)
Trong Khu vườn bí mật, tuy Mary là nhân vật trung tâm, nhưng cô bé không phải là người duy nhất học được nhiều điều để trưởng thành. Các nhân vật khác trong truyện, trừ Martha và Dickon đóng vai trò dẫn dắt, thì cũng đều có sự thay đổi theo mạch truyện. Ông lão làm vườn Ben Weatherstaff từ thái độ khép kín ban đầu đã dần dần cởi mở hơn với đám trẻ. Colin thì khỏi nói rồi, từ một đứa trẻ cả đời nằm trên giường và chỉ muốn chết đi thì đến cuối truyện đã hét lên Tớ sẽ khỏe mạnh! Và tớ sẽ sống mãi mãi, mãi mãi, mãi mãi! Và cả ông Craven nữa, nỗi đau, nỗi tuyệt vọng sau khi vợ mất dường như cũng nguôi đi khi cảm nhận được sức sống từ đám trẻ, đặc biệt là từ cậu con trai duy nhất mình. Chắc vì tất cả những điều đó, nên đọc Khu vườn bí mật, mình thấy lòng nhẹ nhàng và đời cũng nhẹ nhàng, bởi vì thông điệp của truyện đã nói rất rõ ràng rồi: cái đẹp và niềm vui sống luôn ở sẵn quanh ta, chỉ cần ta mở lòng đón nhận lấy chúng. Và có lẽ chính vì cái thông điệp tích cực ấy mà đến ngày nay nhiều người, cả người lớn lẫn trẻ con, vẫn còn yêu mến cuốn sách này đến vậy.
Ngoài ra thì sách cũng có nhiều bức minh họa rất đẹp của họa sĩ Graham Rust, ví dụ như bức vẽ Dickon và Mary trồng cây dưới đây (mặc dù sách của mình thì chỉ in tranh đen trắng thôi):
Tumblr media
Hay là bức vẽ Dickon, Colin, ông Ben Weatherstaff và Mary này nữa:
Tumblr media
Tại vì gấp sách lại thấy nó rất hay (lúc đọc Khu vườn bí mật mình vẫn cười suốt) mà trong lòng vẫn cứ cấn cấn ở đâu đó, nên mình cũng ngồi nghĩ xem mình không thích nó ở đâu. Ngồi nghĩ một lúc thì mới nhận ra thế này: cái niềm hạnh phúc của Mary, điều may mắn trong cuộc đời của Mary - được đến sống ở trang viên của bác Craven, được hòa mình vào thiên nhiên bao la chan hòa, được thoải mái vô lo để trở nên tốt đẹp hơn - không dành cho tất cả mọi người. Sự thực là, dành cho một số rất ít người.
Không, mình không nói đến chuyện đây là một cuốn sách dành cho trẻ con, mà mình là người lớn nên mình nghĩ nhiều quá hay gì đó. Mình không nói đến sự bao bọc của tuổi thơ ở đây. Thứ mình đang muốn bàn đến là Mary, cũng như Colin, thuộc một tầng lớp xã hội cho phép hai cô cậu bé ấy được vui chơi trong một trang viên với tòa nhà rộng thênh thang và những khu vườn trải dài đến hàng dặm đường, với những người hầu kẻ hạ lúc nào cũng sẵn sàng kề cận ở bên; một tầng lớp xã hội cho phép người ta được sống ở Ấn Độ và có thể gọi người bản xứ là "đồ con lợn". Những điều này được nhắc đến trong truyện một cách hiển nhiên, như thể một lẽ thường tình, và chúng thể hiện một lối suy nghĩ phân biệt khá rõ ràng về phía tác giả - điều này khiến mình đặc biệt không thoải mái.
(Cho nên mình khá bất ngờ khi thấy nhiều độc giả bên mình đọc Khu vườn bí mật và "tìm thấy một phần tuổi thơ ở đó" - mình chắc chắn tuổi thơ của họ không hề có được một vườn hồng hoành tráng như vườn hồng của phu nhân Craven, mà cũng không có người hầu Ấn Độ phục vụ bên cạnh luôn. Và thú thực thì đây cũng là điều khiến mình khá là khó thưởng thức văn học Anh thời kỳ Victoria/hậu Victoria, chính vì mình là người một nước từng bị thực dân đô hộ, mà văn học bên họ thời đó thì cái nếp suy nghĩ thực dân nó hiển hiện trong từng con chữ. Cái lý lẽ rằng những tác giả lúc bấy giờ là "sản phẩm của thời đại" dùng để bao biện nghe nó chối tai lắm, bởi vì thứ nhất không phải ai sống ở thời đó cũng có quan điểm như vậy, và thứ hai là truyện đã sáng tác cách đây hơn trăm năm rồi, con người thế kỷ hai mươi đổ bao nhiêu máu xương như vậy chẳng lẽ để cho chúng ta lần hồi công nhận lại những thứ đã bị dẹp bỏ?)
Còn một điều nữa mình thấy cũng cần phàn nàn ở đây, nhưng không liên quan lắm đến Frances Hodgson Burnett, mà là về việc dịch thuật. Dịch giả Nguyễn Tuấn Khanh, cũng như ban biên tập của Nhã Nam nói chung, chuyển ngữ cuốn này nhìn chung mình thấy cũng khá ổn thôi, nhưng chưa truyền tải được hết những sắc thái thể hiện trong văn phong của tác giả. Ví dụ, Mary trong truyện không dưới một lần than phiền là chất giọng vùng Yorkshire của Martha tương đối khó nghe, nhưng bản dịch lại để cho cách ăn nói của Martha chẳng khác gì Mary cả, từ cách dùng từ đến ngữ điệu. Nhưng dịch giả lại chỉ chọn thể hiện ngữ điệu với một vài câu thoại của chị này, còn ngoài ra thì vẫn để chị nói tiếng phổ thông. Thế cho nên mới có đoạn văn như sau:
Martha bắt đầu chùi cái ghi lò lần nữa.
- Tôi là người hầu của bà Medlock, - chị nói với vẻ cả quyết - còn bà ấy là người hầu của ông Craven. Tôi phải làm phận sự của người hầu gái ở đây và đang đợi cô sai bảo. Nhưng cô cũng chẳng cần gì lắm thì phải.
- Ai sẽ mặc quần áo cho tôi? - Mary đòi hỏi. Martha nhỏm dậy lần nữa và nhìn chòng chọc. Chị vẫn nói bằng giọng Yorkshire nằng nặng, vẻ kinh ngạc.
- Rứa cô hông tự lờm được hay răng!
- Ý chị là gì? Tôi không hiểu ngôn ngữ của chị.
Tất nhiên, bên dịch giả và biên tập cũng đã có chú thích cho những đoạn như vậy, và giải thích rằng họ không dịch những đoạn thoại của Martha theo phương ngữ để người đọc dễ hiểu hơn. Và họ làm vậy là có cái lý của họ. Nhưng mình vẫn thấy nó khá... nửa nạc nửa mỡ. Tại vì trong bản gốc thì tác giả cũng thể hiện rõ giọng Yorkshire của Martha trong tất cả những cảnh chị này xuất hiện, nên là mình nghĩ dịch giả dịch hết thoại của chị sang một phương ngữ ở mình cũng có sao đâu!
Nhưng nói gì thì nói, đây vẫn là một tác phẩm dành cho thiếu nhi có hệ thống nhân vật được xây dựng khá ấn tượng, cốt truyện khá liền mạch, văn phong hay, và mang lại những thông điệp khá tích cực. Mình sẽ khuyên mọi người đọc cuốn này, nhưng trước và sau khi đọc mọi người cần làm rõ những hạn chế (về tư tưởng, về bối cảnh) để có thể quyết định rút ra được gì từ nó.
Ảnh minh họa: Nhã Nam
0 notes